Hầu hết các hướng dẫn về cắt lỗ đều khuyên rằng bạn dựa trên tỷ lệ phần trăm nào đó. Chẳng hạn, khi cổ phiếu đang nắm giữ bị lỗ 8%, họ khuyên nhà đầu tư nên bán. Tương tự, tôi cũng được nghe về một vài trường hợp mà nhà đầu tư ứng dụng theo hướng dẫn đã nêu. Ngay trong bài viết này, bạn sẽ biết tại sao cả “chuyên gia” và nhà đầu tư có thể đang mắc phải sai lầm lớn khi cắt lỗ.
Liên tục giám sát danh mục
Rõ ràng, tiền bạc là thứ chúng ta luôn quý trọng. Hơn thế, quy luật phổ quát là kiếm tiền luôn luôn khó. Vì vậy, đừng bao giờ bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để giám sát tiềm năng cũng như rủi ro với mọi cổ phiếu bạn đã mua và đang nắm giữ. Bạn nên liệt kê tất cả những yếu tố khiến giá có thể tăng, và những yếu tố khiến giá có thể giảm. Sau đó, bạn sử dụng hướng dẫn về cách giám sát cổ phiếu.
Nói cách khác, bạn không nên đề cao việc giảm bao nhiêu phần trăm thì cắt lỗ. Bạn nên ưu tiên tiềm năng tăng và rủi ro giảm giá trên cơ sở liên tục giám sát chúng. Các phần tiếp theo sẽ đề cập chi tiết hơn.
Nhớ lại lý do bạn đã mua vào
Có một câu ngạn ngữ dường như nhiều người biết đến:
“Trước khi bỏ cuộc, hãy nhớ lại lý do bạn đã bắt đầu”
(When you’re about to quit, remember why you started)
Những lý do mua vào đúng đắn
Tôi tin rằng nguyên tắc quan trọng nhất là cơ hội tăng giá và an toàn. Phân tích mọi khía cạnh để đảm bảo nguyên tắc đã nêu khá phức tạp. Nhưng ít nhất, khi mua và nắm giữ, bạn nên có một hoặc một số lý do đúng đắn như ví dụ dưới đây:
– Kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng đáng kể trong tương lai;
– Giá cổ phiếu đã trở nên quá thấp;
– Giá sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp đang hoặc có tiềm năng tăng mạnh.
Những lý do mua sai lầm
Nghĩa là những trường hợp mà nhà đầu tư không biết tại sao đó là những cổ phiếu có tiềm năng tăng giá và an toàn. Nói cách khác, nhà đầu tư thường dựa vào hô hào, dựa vào người khác. Hoặc chúng ta giật mình mua khi thị trường đột nhiên tăng mạnh.
Sẽ không vấn đề gì nếu bạn dựa vào người có đủ năng lực. Nhưng phổ biến sẽ là sai lầm. Bởi vì hầu hết không được đào tạo hoặc có kinh nghiệm chuyên sâu để đánh giá cả về tiềm năng và rủi ro. Nó có nguyên nhân sâu xa từ một quốc gia kém phát triển.
Cắt lỗ là một trường hợp của bán chứng khoán. Nhưng như đã đề cập, bạn cần liên tục giám sát danh mục đang nắm giữ. Nếu như xuất hiện thông tin xấu, hoặc nếu bạn tin rằng không còn tiềm năng tăng giá, bạn nên bán.
Vì vậy, việc định ra một tỷ lệ cắt lỗ thực sự là vấn đề không quan trọng. Quan trọng hơn, chúng ta cần học cách đánh giá các giai đoạn để tối ưu mua đáy bán đỉnh.
Nhìn chung, ai cũng đã và sẽ tiếp tục gặp tình huống phải cắt lỗ. Sự khác biệt chỉ ở tần suất và độ lớn. Nhưng cần phải tránh nhưng lý do mua không đúng đắn dẫn đến buộc phải cắt lỗ.
Chuyển đổi để hiệu quả hơn
Nghĩa là bạn vẫn nên bán ngay cả khi cổ phiếu nắm giữ vẫn còn tiềm năng tăng giá. Đó là khi bạn nhận thấy cổ phiếu khác tiềm năng lớn và an toàn hơn.
Việc chuyển đổi chỉ có thể và nên thực hiện khi bạn lập kế hoạch trước. Đồng thời, bạn đã làm quen với việc theo dõi danh mục lớn các cổ phiếu tiềm năng. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong phần sau.
Sai lầm lớn khi cắt lỗ bị trả giá
Đã bao giờ bạn gặp tình huống vừa cắt lỗ thì cổ phiếu tăng vọt, thậm chí tăng trần một vài phiên? Tôi thì tin rằng nhiều nhà đầu tư đã gặp phải những tình huống như thế.
Khi tiềm năng tăng giá còn nguyên vẹn
Tại sao bạn bán xong giá cổ phiếu lại tăng mạnh? Lý do quan trọng có lẽ là:
– Những yếu tố tiềm năng tăng giá vẫn còn nguyên vẹn;
– Không có dấu hiệu xấu nào dẫn đến thị trường đi xuống;
– Không xuất hiện thông tin xấu về ngành hoặc cổ phiếu.
Tốt nhất là bạn nên kiểm tra cẩn thận thông tin về danh mục cổ phiếu như bài hướng dẫn nêu trên. Việc rà soát như vậy cần diễn ra định kỳ, tối thiểu là một lần trước mỗi phiên giao dịch.
Giả định chúng ta nhận thấy các yếu tố tiềm năng vẫn tồn tại. Đồng thời bạn không nhận thấy thông tin tiêu cực nào. Khi đó, tốt hơn là bạn nên tiếp tục nắm giữ mà không nên bán cắt lỗ.
Trả giá bởi tốc độ hồi phục chậm hơn
Trong không ít trường hợp khác, sau khi cắt lỗ, nhà đầu tư giật mình mua lại vì giá tăng vọt. Chúng ta sẽ bị trả giá một lần nữa vì lượng cổ phiếu có thể mua vào ít hơn. Hiển nhiên, chúng sẽ tương đương với lượng giá trị thấp hơn.
Càng sử dụng margin cao, nhà đầu tư sẽ phải trả giá càng đắt. Ở cùng một tốc độ tăng giá, lượng cổ phiếu thấp hơn sẽ có tốc độ phục hồi chậm hơn.
Và vì vậy, nếu có điều kiện, tần suất giám sát danh mục càng nhiều càng tốt. Khi đó, bạn có thời gian để đánh giá thông tin và đưa ra quyết định sớm.
Chấp nhận ngoài khả năng
Ở những trường hợp hiếm gặp hơn, chúng ta thậm chí không biết tại sao cổ phiếu tăng hoặc giảm giá. Bạn thậm chí cũng không hiểu tại sao chỉ số VN-Index lại tăng vọt hoặc giảm mạnh. Một số nhà đầu tư quy những trường hợp như vậy cho thao túng. Nhưng đó là cách suy luận không chính xác. Bởi vì không ai thao túng được thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, cùng với kiến thức và kinh nghiệm, bạn sẽ nâng dần mức chính xác của nhận định. Tương tự, bạn sẽ xác định được chính xác nguyên nhân hơn. Trong khi ở điều kiện năng lực trước đó, bạn không thể nhận diện.
Nói riêng về kiến thức và kinh nghiệm. Bạn không nên tập trung vào phát triển kiến thức, kinh nghiệm thuộc phân tích kỹ thuật. Phân tích cơ bản phức tạp hơn, nhưng mức độ chính xác cao hơn nhiều. Trong khi đó, phân tích kỹ thuật có những điểm yếu rất lớn. Một khi đầu tư tìm kiếm thu nhập là khó khăn và đầy rủi ro, không có giải pháp dễ cho những tình huống như vậy.
Xử lý những tình huống “kỳ quặc”
Đôi khi, bạn sẽ gặp trường hợp có xuất hiện thông tin xấu, cổ phiếu thực sự đang theo hướng giảm giá mạnh. Nhưng chúng đột nhiên quay đầu tăng. Giả định bạn đã bán. Đây là tình huống bạn không nên tiếc.
Điều bạn cần lúc này là rà soát danh mục cổ phiếu yêu thích như trong bài viết trước. Hiển nhiên, đây là danh mục bạn đã kiểm tra cẩn thận và lên kế hoạch trước mỗi phiên.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu về những sai lầm lớn khi cắt lỗ. Nói cách khác, cắt lỗ chỉ là tình huống “bất đắc dĩ”. Cái bạn cần ưu tiên là lựa chọn cổ phiếu an toàn và tiềm năng tăng giá cao trước khi mua. Đồng thời, bạn cần giám sát liên tục các yếu tố ảnh hưởng đến cả hai đặc tính này trong suốt thời gian nắm giữ để ra quyết định mua bán phù hợp.
Ngoài ra, có thể bạn đang đối mặt với một vấn đề lớn nữa. Đó là làm thế nào để lựa chọn danh mục cổ phiếu tiềm năng lên đến tối thiểu là một vài chục mã. Với danh mục lớn như vậy, công việc kiểm tra sẽ trở nên khá vất vả và tốn kém thời gian. Tình huống này chưa bao gồm việc xảy ra nhầm lẫn giữa các cổ phiếu. Chúng ta sẽ xử lý tình huống này trong những bài viết sau.