Welcome to hoangtungthien.com!

Bạn có thể đánh giá thêm mức độ chính xác của các nhận định nói chung, và về cổ phiếu BĐS, FLC, L14, DIG, CEO nói riêng đầu năm 2022 được đăng trên diễn đàn F247.

nhận định

Bảng cân đối kế toán: Đơn giản với ví dụ minh hoạ

17 Th5, 2022 | Doanh nghiệp | 0 Lời bình

Bảng cân đối kế toán giúp người đọc hiểu được tình hình tài chính của công ty tại một thời điểm cụ thể. Hơn nữa, số liệu tài chính còn là cơ sở để thực hiện tính toán nhiều chỉ tiêu nhằm giúp phân tích sâu hơn về hoạt động kinh doanh của công ty.

Bảng cân đối kế toán là gì?

Bảng cân đối kế toán là một bộ phận của báo cáo tài chính. Nó cung cấp số liệu tổng thể và chi tiết về tình hình tài sản và nguồn vốn của công ty tại một thời điểm nhất định. Qua bảng cân đối kế toán, người ta có thể biết được quy mô công ty được thể hiện dưới dạng quy mô tổng tài sản và tổng nguồn vốn. Đồng thời, người đọc cũng nắm được chi tiết những loại tài sản, nguồn vốn nào với giá trị cụ thể bằng tiền.

Mô phỏng Bảng cân đối kế toán

Dưới đây là ví dụ để bạn dễ hình dung về tài sản và nguồn hình thành tài sản của công ty:

bảng cân đối kế toán

Tài sản và nguồn hình thành tài sản

Phần này, chúng ta sẽ xem xét tính cân đối của báo cáo cũng như ví dụ minh hoạ về tài sản và nguồn hình thành tài sản.

Công thức tổng quát

Công thức tổng quát dưới đây cần phải được đảm bảo:

Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn, hay

Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Thường thì những tài sản có thời gian luân chuyển dưới một năm sẽ được phân loại thành tài sản ngắn hạn. Ví dụ như như tiền mặt, tồn kho nguyên vật liệu để sản xuất. Những tài sản sử dụng lâu dài như nhà xưởng, máy móc thiết bị, sẽ được phân loại thành tài sản dài hạn.

Có lẽ do công thức trên, phải đảm bảo cân đối, hay tổng tài sản phải bằng tổng nguồn vốn, mà báo cáo này được đặt tên là Bảng “cân đối” kế toán.

Công thức này hàm ý rằng: Giá trị của mọi tài sản trong công ty đúng bằng giá trị của nguồn vốn hình thành lên chúng.

Ví dụ minh hoạ

Chẳng hạn, nếu công ty bạn kinh doanh quần áo may sẵn vừa mới thành lập vào cuối tháng 12 năm 2021. Sau khi thành lập, công ty có các hoạt động dưới đây:

Cổ đông góp vốn 200 triệu bằng tiền mặt nộp vào ngân hàng;

– Mua quần áo với giá trị là 50 triệu đồng, sau 3 tháng mới phải trả.

Giả định tại thời điểm lập báo cáo tài chính 31 tháng 12 năm 2021, toàn bộ hàng tồn kho vẫn chưa bán và nợ chưa phải trả. Ngoài ra, không có bất kỳ giao dịch, tài sản, công nợ nào khác.

Khi đó, số liệu trên báo cáo sẽ như sau:

Bảng cân đối kế toán 1

Giải thích mối quan hệ tài sản và nguồn vốn

Số tiền 200 triệu tại ngân hàng và giá trị quần áo 50 triệu tồn kho sẽ được phản ánh trong phần Tài sản ngắn hạn. Tương ứng, 50 triệu mua quần áo chưa trả sẽ nằm trong Nợ ngắn hạn; 200 triệu nằm trong Vốn chủ sở hữu. Khi đó, tại thời điểm cuối năm, số dư của Tổng tài sản đúng bằng Tổng nguồn vốn, và bằng 250 triệu.

Bảng trên không có số dư đầu năm, vì theo giả thuyết, tại thời điểm đó, công ty chưa thành lập nên không có số liệu về tài sản, nguồn vốn. Khi lập bảng cân đối kế toán của kỳ sau (quý, hay năm sau), người ta chỉ việc “bê” nguyên cột số cuối năm (cuối quý) trước sang cột số đầu năm (đầu quý). Chỉ có số cuối kỳ mới phải tính toán lại.

Ý nghĩa của Bảng cân đối kế toán

Số liệu nêu trên đã phản ánh tài sản và nguồn vốn tại thời điểm cuối năm chính xác như bạn đang hình dung.

Trong thực tế, hoạt động kinh doanh thường phát sinh lớn và phức tạp hơn nhiều, đặc biệt ở những doanh nghiệp quy mô. Mặc dù vậy, tính cân đối và chính xác vẫn phải đảm bảo như trong ví dụ.

Khi đó, số liệu trên báo cáo sẽ có ý nghĩa lớn với các bên liên quan. Chúng được sử dụng cho hoạt động điều hành, quản lý và quyết định đầu tư. Bởi vì các chỉ tiêu tổng quát và chi tiết giúp họ nắm bắt được về quy mô tài sản cũng như từng khoản mục. Ngoài ra, một khi số liệu được đảm bảo, các chỉ tiêu phân tích tài chính mới có ý nghĩa.

Bảng cân đối kế toán thực tế

Chúng ta biết rằng bảng cân đối kế toán nêu trên chỉ có tính chất mô phỏng, thực tế có nhiều chỉ tiêu hơn. Nhưng tất cả các công ty phải lập theo đúng mẫu được quy định. Dưới đây là ví dụ chụp một phần của Bảng cân đối thực tế từ một công ty:

bảng cân đối kế toán 2

Cấu trúc theo cột

Ngoài cấu trúc về tổng tài sản và tổng nguồn vốn, bảng cân đối kế toán có 5 cột:

– Cột Chỉ tiêu: Phản ánh các chỉ tiêu về tài sản và nguồn vốn. Thường chỉ tiêu tổng sẽ được tô đậm hơn để dễ đọc.

– Cột Mã số: Cột này chỉ hữu ích hơn khi hướng dẫn cách lập. Chẳng hạn Mã số 110 = Mã số 111 + Mã số 112.

– Cột Thuyết minh: Mục đích là làm rõ thêm từng chỉ tiêu cho báo cáo ở phần Thuyết minh báo cáo tài chính. Trong nhiều trường hợp, việc đọc Thuyết minh báo cáo tài chính là rất hữu ích, nhưng thường chúng lại bị bỏ qua.

– Hai cột còn lại đơn giản là số dư ở thời điểm đầu năm (đầu quý) hoặc cuối năm (cuối quý).

Tác giả, trực tiếp tư vấn: HOÀNG TÙNG THIỆN