Báo cáo kết quả kinh doanh là một phần thông tin quan trọng đối với một công ty liên quan đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Việc đọc và hiểu báo cáo này là một yêu cầu thiết yếu. Chúng giúp bạn phân tích cũng như đưa ra các quyết định đúng đắn về tài chính, chẳng hạn quyết định đầu tư, cho vay hay mua cổ phiếu của công ty.
Báo cáo kết quả kinh doanh là gì?
Báo cáo kết quả kinh doanh là một bộ phận của báo cáo tài chính. Báo cáo cho biết doanh thu, chi phí và lợi nhuận của công ty là bao nhiêu trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là một quý hoặc một năm.
Ý nghĩa của báo cáo
Báo cáo kết quả kinh doanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó cho biết một doanh nghiệp đang kinh doanh có lãi hay lỗ. Người ta có thể đưa ra nhận định trực tiếp từ các chỉ tiêu trên báo cáo này. Tuy nhiên, đây còn là nguồn số liệu quan trọng liên quan đến việc tính toán các chỉ số về hiệu quả tài chính.
Từ đó, báo cáo kết quả kinh doanh có ảnh hưởng mạnh lên quyết định của các bên liên quan, cho dù đó là chủ sở hữu doanh nghiệp, nhà quản trị, các bên cho vay, hay quyết định đầu tư cổ phiếu.
Hình thức báo cáo kết quả kinh doanh
Dưới đây là báo cáo kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp được lấy làm ví dụ. Báo cáo được trình bày dưới dạng nhiều chỉ tiêu khác nhau, nhưng tập trung vào doanh thu, chi phí và lợi nhuận của công ty:

Nội dung báo cáo kết quả kinh doanh
Bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể phức tạp hơn một chút. Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh thường khá dễ đọc và dễ hiểu. Dưới đây là nội dung tóm tắt và giải thích ngắn gọn ý nghĩa của từng chỉ tiêu.
Chỉ tiêu doanh thu
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: Là tổng giá giá trị của hàng hoá, dịch vụ đã bán trong kỳ. Giá trị này bao gồm các khoản doanh thu đối với số lượng hàng bán đã thu tiền và chưa thu tiền.
Tất nhiên, bạn đã biết doanh thu trên báo cáo kết quả kinh doanh là một chỉ tiêu khá quan trọng. Bởi vì đây là nguồn tiền để doanh nghiệp trang trải chi phí của mình và hy vọng có phần dôi thêm dưới dạng lợi nhuận. Ngoài ra, doanh thu còn là một trong những chỉ tiêu cơ bản phản ánh quy mô của doanh nghiệp.
Các khoản giảm trừ doanh thu
Bao gồm chiết khấu, giảm giá hàng bán và giá trị hàng bán bị trả lại, trong đó:
– Chiết khấu là phần giá trị mà doanh nghiệp bán với giá thấp hơn khi khách mua hàng với khối lượng lớn;
– Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém chất lượng hoặc sai quy cách;
– Hàng bán bị trả lại giá trị của khối lượng hàng hoá, dịch vụ đã xác định là tiêu thụ, đã ghi nhận vào doanh thu, nhưng bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán.
Những khoản này cần được loại trừ khỏi doanh thu trên báo cáo kết quả kinh doanh để tính doanh thu thuần như dưới đây.
Doanh thu thuần
Là toàn bộ giá trị hàng hoá, dịch vụ công ty đã nghiệp đã bán mà doanh nghiệp thực tế đã thu hoặc có thể thu được trong kỳ. Nói cách khác, doanh thu thuần bằng doanh thu trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu.
Giá vốn hàng bán
Giá vốn hàng bán là các chi phí của số lượng hàng hoá, dịch vụ đã hàng bán, đã tiêu thụ trong kỳ. Nói cách khác, đối với doanh nghiệp sản xuất, đó là toàn bộ các chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất sản phẩm. Còn đối với doanh nghiệp thương mại, đó là các chi phí liên quan trực tiếp của số lượng hàng đã bán, như giá mua, chi phí vận chuyển về kho.
Lợi nhuận gộp trên báo cáo kết quả kinh doanh
Lợi nhuận gộp được tính bằng doanh thu thuần trừ đi giá vốn hàng bán. Lợi nhuận gộp có thể dương hoặc âm. Lợi nhuận gộp càng lớn càng tốt để công ty có thể trang trải thêm các khoản chi phí khác, như sẽ đề cập dưới đây, và có lãi.
Nhưng nếu lợi nhuận gộp bị âm, công ty có thể đang gặp những vấn đề lớn. Nhìn chung, ngân hàng, cổ đông nên rất thận trọng trước khi quyết định cho vay hoặc mua cổ phiếu của những công ty như vậy.
Doanh thu, chi phí tài chính
Doanh thu tài chính chủ yếu là các khoản thu về lợi nhuận đầu tư vào đơn vị khác, lãi tiền gửi, lãi đầu tư chứng khoán, … Chi phí tài chính bao gồm chi phí lãi vay ngân hàng, trả lãi đối với tài sản thuê tài chính, lỗ tỷ giá hối đoái, …
Chi phí bán hàng trên báo cáo kết quả kinh doanh
Bao gồm chi phí trong quá trình bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ; chi phí chào hàng, giới thiệu, quảng cáo sản phẩm, hoa hồng bán hàng; chi phí bảo hành, bảo quản, đóng gói, vận chuyển,…
Chi phí quản lý doanh nghiệp
Chi phí về lương nhân viên bộ phận quản lý; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp của nhân viên quản lý doanh nghiệp; chi phí vật liệu văn phòng, công cụ lao động, khấu hao TSCĐ dùng cho quản lý doanh nghiệp, …
Lợi nhuận thuần trên báo cáo kết quả kinh doanh
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh được tính như sau:
Lợi nhuận thuần = Lợi nhuận gộp + DTTC – CPTC – CPBH – CPQL doanh nghiệp.
Trong đó: DTTC, CPTC, CPBH, và CPQL lần lượt là viết tắt của doanh thu tài chính, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Lợi nhuận thuần trên báo cáo kết quả kinh doanh phản ánh phần lợi nhuận chưa trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động kinh doanh chính.
Thu nhập và chi phí khác
Ngoài các khoản thu cũng như chi phí cho hoạt động kinh doanh chính, trong kỳ, có thể phát sinh các khoản doanh thu, chi phí khác. Chẳng hạn như các khoản thu, chi do thanh lý tài sản.
Lợi nhuận khác, hay kết quả từ hoạt động khác, được tính bằng thu nhập khác – chi phí khác.
Lợi nhuận kế toán trước thuế
Lợi nhuận kế toán trước thuế là khoản lợi nhuận chưa trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, được tính bằng công thức đơn giản dưới đây:
Lợi nhuận kế toán trước thuế = Lợi nhuận thuần + Lợi nhuận khác
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được xem là một khoản chi phí. Vì vậy, người ta sử dụng khái niệm chi phí thuế TNDN. Phần thuế TNDN được tính vào chi phí trong kỳ được gọi là chi phí thuế TNDN hiện hành. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến hiện nay là 20% trên phần thu nhập tính thuế.
Lợi nhuận sau thuế
Khá đơn giản, lợi nhuận sau thuế TNDN là phần lợi nhuận còn lại của công ty, được tính bằng lợi nhuận kế toán trước thuế trừ đi thuế TNDN. Đây là phần lợi nhuận thuộc chủ doanh nghiệp nói chung, hoặc của các cổ đông nói riêng nếu là công ty cổ phần.
Hiển nhiên, không phải công ty nào cũng làm ăn có lãi. Nói cách khác, công ty bị lỗ trong trường hợp lợi nhuận sau thuế TNDN là số âm.
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả trong phân tích, đánh giá, bạn có thể cần xem thêm hướng dẫn cách đọc báo cáo tài chính nói chung.