Báo cáo tài chính bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Đây là công cụ quan trọng mà nhiều cá nhân, tổ chức cần sử dụng cho rất những mục đích khác nhau. Câu hỏi báo cáo tài chính là gì và ý nghĩa của chúng sẽ được làm rõ trong nội dung bài viết. Ngoài ra, bạn sẽ được hướng dẫn một cách dễ hiểu bằng các ví dụ cũng như một vài mẹo nhỏ khá hữu ích khi đọc báo cáo tài chính.
Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là các bản tổng hợp về tình hình tài sản, nguồn vốn, công nợ; kết quả hoạt động kinh doanh; cũng như tình hình tạo và sử dụng tiền của một công ty. Môt bộ báo cáo tài chính đầy đủ sẽ bao gồm Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, và Thuyết minh báo cáo tài chính.
Dưới đây là ví dụ về Bảng cân đối kế toán của một công ty:
Cấu trúc cột của báo cáo
Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ có cấu trúc 5 cột.
– Cột Chỉ tiêu: Phản ánh nội dung của từng chỉ tiêu. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý, ngoài chỉ tiêu chi tiết còn có chỉ tiêu tổng hợp. Chẳng hạn chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền” = chỉ tiêu “Tiền” + chỉ tiêu “Các khoản tương đương tiền”.
– Cột Mã số: Cột này thường chỉ hữu ích hơn khi hướng dẫn cách lập. Nghĩa là dùng để hướng dẫn lấy số liệu từ sổ kế toán để lên báo cáo.
– Cột Thuyết minh: Mục đích là làm rõ thêm từng chỉ tiêu cho báo cáo ở phần Thuyết minh báo cáo tài chính. Nếu cần làm rõ số liệu ở những chỉ tiêu có đánh số trong cột Thuyết minh là gì, bạn tìm đến thuyết minh, ở phần cuối cùng của báo cáo tài chính.
– Hai cột còn lại là số của thời điểm đầu kỳ (quý năm) đối với bảng cân đối kế toán; năm trước (quý trước) và năm nay (quý này) của báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Bạn xem thêm ở các nội dung sau tương ứng với các báo cáo này.
Ý nghĩa của báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với chủ sở hữu, cổ đông, nhà quản trị doanh nghiệp. Mọi quyết định đầu tư hay kinh doanh có ảnh hưởng đáng kể cần phải dựa trên cơ sở thông tin của báo cáo này.
Trong thực tế, để phục vụ cho một mục đích nhất định, số liệu báo cáo tài chính thường bị bóp méo. Mục đích đó có thể đạt được, nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải trả giá đắt vì công cụ quan trọng đó bị vô hiệu.
Vì vậy, trước khi đọc và phân tích, chúng ta cần đánh giá độ tin cậy của báo cáo, sẽ được giới thiệu chi tiết hơn trong phần sau.
Nhà đầu tư chứng khoán
Báo cáo tài chính dường như là một công cụ bắt buộc nên phải được xem xét cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu hay mua trái phiếu của doanh nghiệp đó. Bạn có thể tìm thấy một số hoặc nhiều thông tin liên quan đến khả năng tăng giá cũng như rủi ro của khoản đầu tư.
Chủ sở hữu và nhà quản trị công ty
Tương tự, báo cáo tài chính cũng là một yếu tố không thể thiếu nếu muốn điều hành doanh nghiệp thành công. Các quyết định quan trọng cần phải dựa trên sức khoẻ tài chính của công ty. Những thông tin như vậy thường được thể hiện trên báo cáo tài chính.
Các tổ cá nhân, tổ chức khác
Ngân hàng sẽ cần báo cáo tài chính để đánh giá về nhu cầu vốn, khả năng trả nợ và rủi ro đối với khoản cho doanh nghiệp vay. Cơ quan thuế sử dụng báo cáo tài chính để quản lý, kiểm tra, giám sát tình hình phát sinh và nộp thuế của doanh nghiệp.
Bộ báo cáo tài chính đầy đủ
Một bộ báo cáo đầy đủ tuỳ thuộc vào báo cáo đã kiểm toán hoặc chưa kiểm toán.
Báo cáo tài chính chưa kiểm toán
Gồm bốn báo cáo là bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, và thuyết minh báo cáo tài chính.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán
Cũng bao gồm bốn báo cáo đã nêu trên. Ngoài ra còn có Báo cáo của Ban giám đốc và Báo cáo kiểm toán độc lập.
Pháp luật quy định một số trường hợp bắt buộc phải được kiểm toán. Chẳng hạn đối với các công ty niêm yết. Thường số liệu trên báo cáo đã được kiểm toán sẽ đầy đủ và đảm bảo độ tin cậy cao hơn.
Bảng cân đối kế toán
Tìm hiểu khái niệm
Đây là bộ phận đầu tiên, nhưng có lẽ là khó hiểu hơn cả, của báo cáo tài chính.
Bảng cân đối kế toán phản ánh tình hình tài sản và nguồn hình thành lên các tài sản đó. Tài sản gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, … Nguồn hình thành tài sản thường là từ các khoản nợ mua hàng hoá, dịch vụ chưa trả; vay ngân hàng; hoặc hình thành từ vốn góp của chủ sở hữu.
Bạn xem thêm bài viết về Bảng cân đối kế toán để được giải thích chi tiết hơn.
Báo cáo kết quả kinh doanh
Báo cáo kết quả kinh doanh có lẽ là bộ phận dễ hiểu hơn cả của báo cáo tài chính. Báo cáo này phản ánh doanh thu, chi phí và lợi nhuận trong kỳ:
Các chỉ tiêu trên báo cáo kết quả kinh doanh có tính thời kỳ, phản ánh số luỹ kế trong một khoảng thời gian, chẳng hạn một năm. Ví dụ: Chỉ tiêu doanh thu sẽ được tính bằng cách cộng toàn bộ doanh thu phát sinh trong năm.
Do đó, như theo mẫu báo cáo kết quả kinh doanh nói trên, cột số liệu sẽ là “Năm nay”, “Năm trước” chứ không phải “Số đầu năm”, “Số cuối năm” giống như bảng cân đối kế toán.
Vì các chỉ tiêu khá dễ hiểu nên chúng ta không giải thích thêm ở đây.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Phần này sẽ giải thích về báo cáo lưu chuyển tiền tệ và một mẹo nhỏ giúp bạn đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ dễ dàng hơn.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì?
Báo cáo này phản ánh số thu và chi bằng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng trong kỳ. Tuỳ từng công ty mà phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ là trực tiếp hoặc gián tiếp. Các chỉ tiêu trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp sẽ dễ hiểu hơn so với phương pháp gián tiếp.
Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều phân chia thành ba nội dung hoạt động thu chi tiền, bao gồm:
– Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh: Nghĩa là số thu, chi tiền từ mua, bán hàng hoá dịch vụ của hoạt động kinh doanh chính;
– Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư: Như tiền thu, chi do bán, mua sắm tài sản cố định, các khoản vốn góp, …;
– Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính: Như tiền thu, chi do phát hành cổ phiếu, tiền gốc đi vay và trả nợ gốc vay, …
Mẹo nhỏ với báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Nếu không phải người có kiến thức về kế toán, sẽ khá khó khăn với các chỉ tiêu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo phương pháp gián tiếp. Cách tốt nhất là khi đó, bạn chỉ cần nhìn vào dòng chứa các chỉ tiêu lưu chuyển tiền thuần, bao gồm:
– Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh;
– Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư; và
– Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính.
Về nguyên tắc, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh càng dương lớn càng tốt. Vì nó phản ánh khả năng tạo ra lượng tiền mặt dồi dào từ hoạt động kinh doanh chính. Nếu chỉ tiêu này âm lớn, khả năng cao là công ty đang gặp phải những vấn đề tài chính bất ổn. Để có thể bù đắp, công ty buộc phải huy động thêm vốn góp, đi vay, …
Thuyết minh báo cáo tài chính
Đây cũng là một bộ phận của báo cáo tài chính. Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính dùng để giải thích về chính sách kế toán và trình bày bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Ngoài ra, phần thuyết minh còn được sử dụng để làm rõ thêm các chỉ tiêu về mặt số liệu của ba báo cáo nói trên.
Khi đã có cái nhìn tổng quan, có thể bạn đã sẵn sàng với hoạt động tìm hiểu qua bài viết về cách đọc báo cáo tài chính. Trong bài viết này, bạn sẽ được hướng dẫn một cách dễ hiểu và để tránh các sai lầm phổ biến hiện nay.
Báo cáo tài chính hợp nhất
Báo cáo tài chính hợp nhất cũng giống như báo cáo tài chính nói chung. Tuy nhiên, loại báo cáo này được lập khi một công ty – gọi là công ty mẹ, có sở hữu vốn 50% trở lên trong một công ty khác – gọi là công ty con.
Khi đọc báo cáo hợp nhất, có những vấn đề quan trọng bạn cần lưu ý, bởi vì chúng rất dễ gây nhầm lẫn. Chi tiết bạn xem thêm về báo cáo tài chính hợp nhất.