Welcome to hoangtungthien.com!

Bạn có thể đánh giá thêm mức độ chính xác của các nhận định nói chung, và về cổ phiếu BĐS, FLC, L14, DIG, CEO nói riêng đầu năm 2022 được đăng trên diễn đàn F247.

nhận định

Cách kiếm tiền lừa đảo của các nhóm lái chứng khoán

25 Th12, 2022 | Kiến thức | 0 Lời bình

Một lần về quê, từ đầu đến cuối, chú chỉ khuyên tôi và lấy nhiều ví dụ về “bán nhà vì chứng khoán”, hay chơi chứng khoán là đánh bạc. Thậm chí chú còn “hài lòng” là “số điện thoại của mày còn liên lạc được là tốt rồi”. Sau đó, chú lấy vài ví dụ về “mấy đứa phải bỏ quê trốn nợ”. Nói cách khác, câu chuyện kiếm tiền từ lừa đảo đã không còn lạ cả ngoài đời thực và trên thị trường chứng khoán. Tính lừa đảo ở chỗ, nhiều nhóm người chỉ tập trung vào một hoặc một số cổ phiếu. Mục đích của họ không phải là tư vấn vào các cổ phiếu tốt, an toàn.

Trước tiên, bạn sẽ tìm hiểu về một câu chuyện có thật về tổ lái từ một công ty chứng khoán nhỏ. Sau đó, bạn sẽ cùng nhận thức về những tổ lái tồn tại khá tinh tế. Nhìn chung, mục đích chính của họ là thổi giá cao để thu siêu lợi nhuận. Họ làm điều này dường như bất chấp mọi thủ đoạn.

Câu chuyện có thật về tổ lái

Dưới đây là một câu chuyện có thật tại quán Cà phê Lake Views, khu An Bình City. Câu chuyện này cũng đã được đăng trên Diễn đàn F247.

Lái từ một công ty chứng khoán

Đó là khi tôi được “đứa em” giới thiệu một “anh bạn” tổ lái cấp n. Gọi là cấp n vì phía trên còn “các sếp” – theo như những gì “anh bạn” chia sẻ. Và “anh bạn” đó đang làm việc trong một công ty chứng khoán nhỏ.

Ban đầu, khi biết “anh bạn” đó thuộc tổ lái, tôi định đứng dậy đi về. Nhưng thấy “đứa em” khuyên rằng “cần tin” vào người tư vấn (tin vào anh bạn tổ lái). Bởi vậy, tôi quay sang anh ta hỏi:

– Em tư vấn khách hàng mua cổ phiếu theo chỉ đạo của sếp em nhỉ?

– Vâng – “anh bạn” trả lời

– Trước khi em tư vấn khách hàng mua, sếp em đã mua “cả đống” cổ phiếu đó, đúng không nhỉ? Và em cũng thế?

– Đúng vậy anh.

– Thế khi chạy, ai chạy trước? Em hay sếp em?

– Sếp em đưa ra mức giá mục tiêu, cứ đến mức giá đó là bán, và kêu tất cả các khác hàng bán –  “Anh bạn” trả lời tiếp.

– Thế khi chạy, ai chạy trước? Em hay sếp em? Tôi hỏi lại.

– Thường thì em sẽ tính mức giá chạy trước.

– Nghĩa là em không tin vào sếp em? Nếu không tin vào sếp em, sao em đi thuyết phục khách hàng?

“Anh bạn” không trả lời. Tôi hỏi tiếp:

– Thế có nghĩa khách hàng chạy sau cùng nếu không kịp sẽ “chết” phải không nhỉ? Còn nếu có kịp thì nhà đầu tư cuối cùng mua sẽ chết. Trong khi em, sếp em và tổ lái cầm tiền đút túi?

“Anh bạn” đó cũng không trả lời.

Tôi nói thêm:

– Bọn em làm vậy là thất đức.

Rồi tôi quay sang “đứa em”:

– Niềm tin là thế đấy. Sau đó tôi xin phép đứng dậy đi về.

Hoạt động có tổ chức

Dù không hỏi, nhưng tôi tin sếp của anh bạn có lẽ cũng chỉ là tổ lái cấp 2. Điều này giống như mô hình đa cấp. Nhưng nó được hình thành có tổ chức từ chính một công ty chứng khoán.

Tổ lái cấp một chắc đã “ôm cả đống” với giá rẻ hơn. Sau khi chỉ đạo các trưởng phòng, nhân viên, một loạt khách hàng sẽ được tư vấn mua. Ngoài ra, khả năng cao còn thêm một đội ngũ đông đảo khác. Đội ngũ này được không ít nhà đầu tư gọi là “chim lợn” ăn theo. Họ cũng đã ôm một khối lượng cổ phiếu nhất định.

Tất nhiên, tôi chỉ đánh giá anh bạn đó và công ty tư vấn cụ thể đó. Nghĩa là không có ý kiến về những công ty chứng khoán khác.

Nhu cầu cao sẽ khiến cổ phiếu tăng giá. Nhưng khi thị trường có vấn đề, những khách chạy sau sẽ lãnh đủ hậu quả. Đó là tình huống của FLC, NVL, L14, CEO, PDR, và DIG trong thời gian qua.

Hiểu tổ lái theo nghĩa rộng hơn

Thực ra, mức nguy hiểm của các tổ lái như A7 có lẽ chưa thấm vào đâu. Trước tiên, chúng ta sẽ đề cập đến họ là ai.

Lái từ chính lãnh đạo doanh nghiệp

Hậu quả của các tổ lái như A7 có lẽ còn xa mới bằng lái từ chính ban lãnh đạo doanh nghiệp. Điển hình là vụ FLC. Bởi vì chính họ mới nắm lượng cổ phiếu giá trị hàng nghìn tỷ. Đồng thời, mỗi lần lái, họ có thể thu về số tiền hàng trăm tỷ. Nên có thể nói rằng tổ chức một “chiến dịch” quy mô lớn không quá khó.

Những đợt như vậy rất có thể còn bao gồm sự tham gia của cả báo chí “chính thống”. Tất nhiên, các bài viết thường trá hình quảng cáo dưới dạng “ý kiến khách quan”. Để làm vậy, ban lãnh đạo công ty sẽ mất số tiền đáng kể cho quảng cáo. Nhưng chẳng đáng gì so với số lợi nhuận họ thu về từ tăng giá cổ phiếu.

Đó là trường hợp mà chúng ta nên đặt nghi vấn nghiêm trọng đối với cổ phiếu NVL. Bạn đã được tìm hiểu trong bài viết “Sai lầm phổ biến về thao túng thị trường chứng khoán“. Ngoài ra, PDR cũng trong diện nghi vấn về lãnh đạo doanh nghiệp lái giá cổ phiếu. Trong đó khả năng có cả sự tham gia của truyền thông (được thuê). Chúng ta đã đề cập đến trong bài viết “Ma quái trong Tập đoàn Phát Đạt“.

Như vậy, “tổ lái” có thể tồn tại dưới ba hình thức. Một là ngay trong các công ty chứng khoán. Hai là từ chính doanh nghiệp. Và ba là các nhóm như A7. Tuy nhiên, họ thường không độc lập. Nghĩa là họ sẽ nguy hiểm hơn nhiều khi liên kết lại. Bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết về Tuấn A7.

Người nghèo “giải cứu trọc phú”

Mới đây, tôi có ngồi với một bạn broker. Đó là khi bạn ấy đề cập đến “giải cứu NVL”. Nhớ đến bài viết của báo nào đó về chị hàng rau cũng “tham gia giải cứu”. Tôi nói với bạn ấy: “Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra một vài tỷ thuê viết báo. Rồi họ đưa phong bì vài triệu cho chị hàng rau. Thế là có bài báo “lâm ly” về câu chuyện giải cứu. Và lãnh đạo doanh nghiệp thu về cả trăm tỷ”.

Chẳng hạn, cổ phiếu CEO chỉ trong vòng khoảng 2 tháng, đã tăng gấp 7,6 lần. Vào ngày 01 tháng 11 năm 2021, cổ phiếu này chỉ có mức giá đóng cửa 12.100 đồng/cổ phiếu. Nhưng vào ngày vào ngày 07 tháng 01năm 2022, nó đạt mức giá 92.500.

Nói cách khác, giả định lãnh đạo doanh nghiệp mua cổ phiếu vào ngày 01 tháng 11 năm 2021. Tất nhiên đây là một giả định lý tưởng. Và nếu họ mua vào 100 tỷ thì có nghĩa tài khoản sẽ là 760 tỷ vào ngày 07 tháng 01 năm 2022.

Nhưng chỉ cần lãi gấp 3 lần, nghĩa là nếu tổng số họ mua vào 1.000 tỷ, họ sẽ có 3.000 tỷ. Bỏ ra hàng chục tỷ để “viết báo” có lẽ chỉ là “chuyện nhỏ”.

Một lưu ý là họ chưa chắc đã tự đứng tên mua bán, mà thông qua người khác. Vì vậy, gần như không ai biết có sự tồn tại giao dịch của người nội bộ.

Đây chính là câu chuyện mà những người nghèo đi “giải cứu các trọc phú”.

Broker không được đào tạo

Tôi đã gặp trực tiếp 5 broker, hoặc gọi là nhân viên tư vấn (hay môi giới). Đây là những bạn làm việc cho các công ty chứng khoán. Nhiệm vụ chính của họ là tìm kiếm khách hàng và tư vấn. Nhưng cả 5 bạn đó đều không được đào tạo trong lĩnh vực kinh tế. Họ có thể tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, Thuỷ Lợi, hay thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

Có bạn rất không tự tin khi đề cập đến kiến thức kinh tế và chứng khoán. Thậm chí, họ chia sẻ rằng lựa chọn cổ phiếu theo các tổ lái. Rõ ràng, khách hàng sẽ gặp rủi ro lớn ở những tình huống này.

Tất nhiên, không phải ai làm trái nghề cũng không tốt. Thực ra, tôi hy vọng các chia sẻ trên trang web này cũng trang bị thêm kiến thức và kinh nghiệm cho những bạn như vậy.

Thời điểm bạn nên rất cảnh giác

Đó là những thời điểm thị trường đi ngang hoặc đi xuống đáng kể. Kèm theo khiến cho tình huống tệ hơn là giá cổ phiếu đã được lái tăng quá cao. Nếu nhà đầu tư mua vào và nắm giữ, rủi ro chia vài lần tài khoản cũng rất lớn. Nhưng vấn đề ở chỗ:

– Làm thế nào để nhận định thị trường đi xuống?

– Khi nào giá cổ phiếu đã quá cao?

Chúng tôi sẽ cố gắng cảnh báo trên trang web này khi xuất hiện những trường hợp như vậy.

Có một điều nữa mà các bạn nên rất cẩn trọng. Khả năng của các tổ lái (theo nghĩa rộng) khiến nhà đầu tư bị lừa là rất cao. Bạn tham khảo thêm trong bài viết “Những cạm bẫy chứng khoán“.

Ở bài viết sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chiến thuật mà các tổ lái thường sử dụng. Sự “tinh tế” của chúng khiến nhà đầu tư rất dễ mắc bẫy.

Tác giả, trực tiếp tư vấn: HOÀNG TÙNG THIỆN