Bạn sẽ được tìm hiểu khái niệm doanh nghiệp là gì, các loại hình doanh nghiệp hiện nay. Ngoài ra, những vấn đề cơ bản liên quan đến thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ, các hình thức góp vốn và trách nhiệm của thành viên cũng sẽ được đề cập trong bài viết.
Doanh nghiệp là gì?
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Mục tiêu của doanh nghiệp
Doanh nghiệp, về cơ bản, là một thực thể tách biệt với sở hữu của các cá nhân sở hữu. Các công ty thường được thành lập chủ yếu với mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ việc tiến hành các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong thực tế, một số ít công ty có thể được thành lập như các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận.
Ưu điểm của doanh nghiệp
Việc thành lập doanh nghiệp có một số ưu điểm dưới đây:
– Đa dạng hóa và tạo cơ hội tăng thu nhập tốt hơn so với kinh doanh trên cơ sở tư cách cá nhân;
– Tự do sáng tạo và tính linh hoạt hơn so với đi làm công ăn lương;
– Một lợi thế khác của các công ty là tạo ra công ăn việc làm không chỉ cho bản thân, mà còn cho người khác.
Khi thành lập công ty, hầu hết thường đều phải thuê thêm nhân viên. Điều này sẽ làm tăng số lượng việc làm do đòi hỏi số lượng nhân sự nhiều hơn để đảm nhận những công việc cụ thể.
Nhìn chung, việc vận hành doanh nghiệp giúp bạn có khả năng theo đuổi ước mơ và đam mê, kể cả làm giàu.
Nhược của doanh nghiệp
Mặc dù có những ưu điểm nêu trên, tuy nhiên, việc thành lập và vận hành một doanh nghiệp cũng có những điểm bất lợi nhất định, bao gồm:
– Tăng trách nhiệm tài chính mà không giống như đi làm công ăn lương;
– Trách nhiệm pháp lý lớn hơn, không chỉ cho bản thân, mà còn cho những người lao động khác. Ngoài ra, một công ty sẽ chịu sự ràng buộc của nhiều quy định pháp lý hơn;
– Thường bạn sẽ phải làm việc nhiều giờ hơn, do vậy cũng sẽ có rủi ro nhiều hơn đối với sức khỏe bởi làm việc căng thẳng;
– Trách nhiệm lớn và phức tạp theo các quy định về kê khai, nộp thuế, kế toán, …
Rủi ro khi thành lập doanh nghiệp
Việc thành lập doanh nghiệp cũng chịu rủi ro. Theo nghiên cứu, tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp có thể lên đến 75% trong vòng 3 năm, kể từ thời điểm thành lập.
Thất bại tất nhiên là một trong những bất lợi lớn nhất. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân thành công đã thừa nhận rằng công việc kinh doanh đầu tiên của họ đã thất bại, đôi khi thất bại nhiều lần. Mặc dù vậy, kinh nghiệm là một công cụ học tập quan trọng để gặt hái thành công trong tương lai.
Phổ biến, những người giàu nhất của một quốc gia và trên thế giới thế giới đều có tài sản được tích lũy từ thành lập và phát triển công ty riêng của họ.
Các loại hình doanh nghiệp
Ở phần trên, chúng ta đã tìm hiểu doanh nghiệp là gì cũng như ưu nhược điểm của thành lập và vận hành một doanh nghiệp. Trong phần này, bạn sẽ tìm hiểu về các loại hình doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, có 5 loại hình công ty như dưới đây:
Công ty trách nhiệm hữu hạn
Công ty trách nhiệm hữu hạn là một hình thức doanh nghiệp, trong đó trách nhiệm tài sản của các thành viên được giới hạn trong số vốn đã góp hoặc cam kết góp vào công ty. Nói cách khác, trong trường hợp công ty không có khả năng chi trả các khoản nợ, công ty có thể nộp hồ sơ phá sản theo quy định của luật phá sản. Cụ thể hơn, chủ sở hữu công ty không phải sử dụng tài sản cá nhân để thanh toán cho các khoản nợ đó.
Có một sự khác biệt ở đây của hình thức công ty hữu hạn so với công ty tư nhân và công ty hợp danh như sẽ đề cập ngay phần dưới đây. Trong đó, người sở hữu doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn. Nghĩa là trong trường hợp công ty mất khả năng chi trả các khoản nợ, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện nay, công ty trách nhiệm hữu hạn được chia thành 2 loại, gồm:
– Công ty TNHH một thành viên: Nghĩa là công ty chỉ do 1 thành viên góp vốn và sở hữu;
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân là một cá nhân.
Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
– Phải có ít nhất hai thành viên hợp danh; ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn;
– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
– Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào Công ty.
Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp có những đặc tính cơ bản dưới đây:
– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp bị hạn chế, chẳng hạn không được chuyển nhượng đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết;
– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
Trong tất cả các hình thức doanh nghiệp nói trên, công ty cổ phần thường là loại hình doanh nghiệp phổ biến hơn.
Doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức dưới một trong ba loại hình doanh nghiệp đã nêu trên, gồm dạng Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, hoặc công ty cổ phần
Cụ thể, theo Điều 88, Luật doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp nhà nước có các đặc điểm cơ bản dưới đây:
“1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp mà Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ.
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”
Thủ tục thành lập công ty
Bộ hồ sơ đăng ký thành lập công ty
Để thành lập công ty, sẽ cần nộp bộ hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh. Thông thường, bộ hồ sơ sẽ bao gồm:
– Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ doanh nghiệp;
– Danh sách thành viên công ty;
– Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên;
– Giấy CN ĐKKD/Giấy CN ĐKDN đối với thành viên là tổ chức và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức.
Các khoản phí phải nộp khi thành lập
Phí thành lập doanh nghiệp thường không đáng kể. Chẳng hạn, khi thành lập doanh nghiệp trên địa bàn Hà nội, các khoản phí phải nộp như sau:
– Lệ phí đăng ký kinh doanh: 50.000 đồng/lần, nộp tại thời điểm nộp hồ sơ nếu đăng ký trực tiếp.
– Phí công bố thông tin: 100.000 đồng/lần, nộp tại thời điểm nộp hồ sơ nếu đăng ký trực tiếp.
– Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký qua mạng điện tử, đăng ký thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Yêu cầu về giá trị vốn góp
Không có luật nào quy định số vốn góp tối đa. Nghĩa là bạn có thể thành lập và góp vốn vào công ty tuỳ vào năng lực tài chính của mình.
Luật doanh nghiệp hiện nay không quy định số vốn góp tối thiểu. Tuy nhiên, một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu về vốn góp tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Chẳng hạn như lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, …
Chúng ta thường gọi đó là vốn pháp định, hay vốn tổi thiểu phải có theo quy định của pháp luật. Cụ thể hơn là theo quy định của Chính phủ.
Vốn điều lệ
Tất cả các loại hình doanh nghiệp đều liên quan đến vốn góp, cả trong và sau khi thành lập doanh nghiệp. Chúng ta gọi chung là vốn điều lệ.
Khái niệm vốn điều lệ
Vốn điều lệ là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết sẽ góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty.
Hình thức góp vốn điều lệ
Vốn điều lệ có thể được góp bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Quy định về thời gian góp vốn điều lệ
Thông thường, vốn điều lệ phải được góp vào công ty trong khoảng thời gian là 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động, công ty có thể tăng, giảm vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.