Welcome to hoangtungthien.com!

Bạn có thể đánh giá thêm mức độ chính xác của các nhận định nói chung, và về cổ phiếu BĐS, FLC, L14, DIG, CEO nói riêng đầu năm 2022 được đăng trên diễn đàn F247.

nhận định

Kinh tế vĩ mô

7 Th6, 2022 | Chưa phân loại | 0 Lời bình

Kinh tế học vĩ mô là một nhánh của kinh tế học. Nhánh này nghiên cứu các yếu tố tổng quan của một nền kinh tế. Chúng bao gồm thị trường, lạm phát, giá cả, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập quốc dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và những thay đổi trong tỷ lệ thất nghiệp.

Kinh tế vĩ mô giải quyết những vấn đề nào?

Một số câu hỏi chính mà kinh tế học vĩ mô sẽ giải quyết bao gồm:

Tổng cung và tổng cầu;

– Nguyên nhân gây ra thất nghiệp;

– Nguyên nhân gây ra lạm phát;

– Chính sách kinh tế vĩ mô;

– Điều gì tạo ra hoặc kích thích tăng trưởng kinh tế?

Kinh tế vĩ mô cố gắng đo lường mức độ hoạt động của một nền kinh tế, để hiểu lực lượng nào thúc đẩy nó và dự đoán hiệu suất có thể cải thiện như thế nào.

Vai trò của kinh tế vĩ mô

Như thuật ngữ này ngụ ý, kinh tế học vĩ mô nhìn vào viễn cảnh tổng thể, bức tranh lớn của nền kinh tế. Nói một cách đơn giản, nó tập trung vào cách thức hoạt động của nền kinh tế nói chung. Điều này bao gồm việc xem xét các biến số lớn như thất nghiệp, GDP và lạm phát.

Các nhà kinh tế học phát triển lên những mô hình để giải thích và dự báo mối quan hệ giữa các yếu tố nói trên. Các mô hình kinh tế và các dự báo như vậy có thể được các tổ chức, cơ quan của chính phủ sử dụng để:

– Hỗ trợ xây dựng và đánh giá các chính sách kinh tế, tiền tệ và tài khóa;

– Thiết lập chiến lược tại thị trường trong nước và toàn cầu;

– Dự đoán, lập kế hoạch phân bổ nguồn lực như tài nguyên, lao động, đất đai, …

Với ý nghĩa như trên, kinh tế vĩ mô hiển nhiên quan trọng đối với mọi quốc gia và ở quy mô toàn cầu. Một khi được áp dụng thích hợp, các học thuyết kinh tế có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của các nền kinh tế.

Học thuyết kinh tế cũng có thể giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân đưa ra quyết định tốt hơn. Điều này đạt được thông qua sự hiểu biết thấu đáo hơn về tác động của các xu hướng và chính sách kinh tế lớn đối với ngành mà cá nhân và doanh nghiệp đang hoạt động.

Hạn chế của kinh tế vĩ mô

Là sản phẩm của con người, học thuyết kinh tế vĩ mô cũng tồn tại các hạn chế. Các lý thuyết thường được tạo ra trong môi trường lý tưởng hơn. Nghĩa là chúng thiếu một số chi tiết nhất định trong thế giới thực. Ngoài ra, sự tương tác giữa chúng cũng không thể dự đoán hết. Thế giới thực rất phức tạp do bao gồm những vấn đề thuộc sở thích, đạo đức – đôi khi không phù hợp với phân tích toán học.

Phạm vi của kinh tế vĩ mô

Kinh tế vĩ mô là một lĩnh vực khá rộng, được chia làm hai lĩnh vực chính. Lĩnh vực đầu tiên là các yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, hay tăng thu nhập quốc dân.

Lĩnh vực thứ hai liên quan đến nguyên nhân và hậu quả của những biến động ngắn hạn trong thu nhập quốc dân và việc làm. Đây còn được gọi là chu kỳ kinh doanh.

Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế đề cập đến sự gia tăng tổng sản xuất trong một nền kinh tế. Các nhà kinh tế cố gắng tìm hiểu các yếu tố thúc đẩy hoặc làm chậm tăng trưởng kinh tế. Từ đó họ hy vọng tìm ra các động lực hỗ trợ phát triển, tiến bộ và nâng cao mức sống.

Vào thế kỷ 18, Adam Smith đã viết cuốn sách kinh điển “Bản chất và nguyên nhân sự giàu có của các quốc gia”. Ông ủng hộ thương mại, chính sách kinh tế tự do và mở rộng phân công lao động.

Đến thế kỷ 20, các nhà kinh tế học bắt đầu nghiên cứu sự tăng trưởng với các mô hình toán học. Tăng trưởng thường được mô hình hóa dưới dạng hàm số của vốn vật chất, lao động, và công nghệ.

Chu kì kinh doanh

Nghĩa là nền kinh tế sẽ tăng trưởng và mở rộng, phát triển và suy thoái theo những chu kỳ kinh doanh. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một minh chứng khá rõ ràng gần đây nhất. Xa hơn, cuộc Đại suy thoái những năm 1930 là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của hầu hết các học thuyết hiện đại.

Lịch sử kinh tế vĩ mô

Chúng ta sẽ điểm qua lịch sử kinh tế vĩ mô ở một số giai đoạn nhất định. Mục đích để hiểu tác động của các học thuyết có ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt đến nền kinh tế Hoa Kỳ.

Giai đoạn những năm 1930

Ở giai đoạn này, nhiều người đã bắt đầu tự hỏi liệu Hoa Kỳ có bao giờ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái hay không. Sự sụp đổ dường như thách thức logic của quan điểm kinh tế thống trị. Theo quan điểm này, nền kinh tế sẽ có thể đạt được trạng thái sử dụng toàn bộ lực lượng lao động thông qua một quá trình tự điều chỉnh. Tuy nhiên, những ý tưởng cũ về kinh tế vĩ mô dường như không hoạt động.

Tại Anh, nhà kinh tế học John Maynard Keynes tự tin rằng mình đã tìm ra chìa khóa. Chìa khoá này không chỉ để hiểu về cuộc Đại suy thoái mà còn khắc phục nó.

Những năm 1960

Hầu hết các nhà kinh tế học tin rằng những ý tưởng của Keynes giải thích tốt nhất những biến động trong hoạt động kinh tế. Các công cụ mà Keynes đề xuất đã giành được sự chấp nhận rộng rãi giữa các chính phủ trên toàn thế giới. Việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng ở Hoa Kỳ dường như đã là một thành công ngoạn mục.

Nhưng nhà kinh tế học Milton Friedman của Đại học Chicago vẫn tiếp tục vật lộn trong một trận chiến đơn độc chống lại những gì đã trở thành chính thống của Keynes. Ông lập luận rằng tiền, không phải chính sách tài khóa, mới là thứ ảnh hưởng đến tổng cầu.

Friedman khẳng định chính sách tài khóa không thể hoạt động. Đồng thời, ông cho rằng không nên sử dụng chính sách tiền tệ để đưa nền kinh tế trở lại mức sản lượng tiềm năng. Ông đề xuất chính sách tăng trưởng tiền ổn định. Từ đó, nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh về trạng thái cân bằng trong dài hạn.

Giai đoạn những năm 1970

Nền kinh tế Mỹ vừa trải qua một giai đoạn đáng ngạc nhiên: GDP thực tế đã giảm, nhưng lạm phát vẫn ở mức cao. Một nhà kinh tế trẻ tại Đại học Carnegie – Mellon, Robert E. Lucas, Jr., đã nhận thấy đây là một nghịch lý. Một nghịch lý mà ông cho rằng không thể giải thích được bằng lý thuyết của Keynes.

Cùng với một số nhà kinh tế học khác, ông bắt đầu nghiên cứu theo cách tiếp cận hoàn toàn mới. Cách tiếp cận như thế sẽ thách thức quan điểm của Keynes. Lucas và các đồng nghiệp của ông đề xuất một thế giới mà việc tự điều chỉnh diễn ra rất nhanh chóng. Trong đó, lựa chọn hợp lý của các cá nhân thường hủy bỏ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ, và các nỗ lực ổn định có khả năng làm chậm tăng trưởng kinh tế.

John Maynard Keynes, Milton Friedman và Robert E. Lucas, Jr., mỗi người đã giúp thiết lập một trường phái tư tưởng kinh tế vĩ mô chính. Người ta thừa nhận các ý tưởng của họ xung đột gay gắt và vẫn còn bất đồng đáng kể giữa các nhà kinh tế về nhiều vấn đề. Mặc dù vậy, sự đồng thuận rộng rãi giữa các nhà kinh tế liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô dường như đã xuất hiện trong những năm 1980, 1990 và đầu những năm 2000. Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái và cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 2000 đã gây ra một vòng tranh cãi khác.

So sánh với kinh tế vi mô

Kinh tế vi mô tập trung vào các yếu tố nhỏ hơn, có ảnh hưởng đến sự lựa chọn của các cá nhân và tổ chức. Các yếu tố được nghiên cứu trong cả kinh tế vi mô và vĩ mô thường có ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, mức thất nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế có ảnh hưởng đến việc cung cấp lao động. Thất nghiệp như vậy sẽ liên quan đến chi phí và lực lượng lao động mà các công ty có thể sử dụng.

Một điểm khác biệt chính nữa giữa hai nhánh này là các yếu tố vĩ mô đôi khi có thể hoạt động theo những cách rất khác. Thậm chí, chúng đi ngược lại với các biến số tương tự của kinh tế vi mô.

Kinh tế học vi mô xem xét các xu hướng kinh tế, hoặc điều gì có thể xảy ra khi các tác nhân đưa ra quyết định lựa chọn. Các tác nhân đó thường được phân loại thành những nhóm nhỏ hơn, chẳng hạn như người mua, người bán và chủ sở hữu doanh nghiệp. Các nhóm này tác động lẫn nhau theo quy luật cung cầu.

Tác giả, trực tiếp tư vấn: HOÀNG TÙNG THIỆN