Welcome to hoangtungthien.com!

Bạn có thể đánh giá thêm mức độ chính xác của các nhận định nói chung, và về cổ phiếu BĐS, FLC, L14, DIG, CEO nói riêng đầu năm 2022 được đăng trên diễn đàn F247.

nhận định

Nhận định thị trường đến cuối tháng 1 năm 2023

16 Th12, 2022 | Nhận định | 0 Lời bình

Đầu tiên, bài viết sẽ đề cập đến các yếu tố vĩ mô quan trọng trên thị trường thế giới. Từ đó giải thích cho phản ứng rất mạnh của nhà đầu tư Mỹ và Châu Âu phiên hôm qua. Phản ứng rất mạnh  được hiểu theo nghĩa hầu hết các chỉ số chính trên hai thị trường này đều giảm từ trên 2% đến trên 3%. Sau khi phân tích và điểm lại các yếu tố vĩ mô, chúng ta sẽ đưa ra nhận định thị trường đến cuối tháng 1 năm 2023.

Ngoài ra, bạn còn được giải thích nguyên nhân cổ phiếu thép tăng trần, và rủi ro của các cổ phiếu này.

Điểm lại các yếu tố vĩ mô quan trọng

Các yếu tố vĩ mô hiện có ảnh hưởng quan trọng đến thị trường gồm tỷ lệ lạm phát, lãi suất, và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Tỷ lệ lạm phát đã giảm đáng kể

Đây là tháng thứ năm liên tiếp lạm phát Mỹ giảm từ mức đỉnh của tháng 6 năm 2022. Trong đó, tháng 10 và tháng 11 được xem là có tốc độ giảm mạnh nhất, tương ứng 7,7% và 7,1%.

Tuy nhiên, tình hình lạm phát ở khu vực Châu Âu ở mức nghiêm trọng hơn. Tháng 11 năm 2022, khu vực này lần đầu tiên ghi nhận xu hướng giảm của lạm phát. Nghĩa là từ đỉnh 10,6% của tháng 10 năm 2022, xuống còn 10% vào tháng 11 năm 2022.

Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát của Mỹ, Châu Âu cũng như của thế giới hiện vẫn đang ở mức rất cao.

Chính sách tiền tệ cứng rắn

Không chỉ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, Mỹ và Châu Âu tiếp tục duy trì thái độ rất cứng rắn để kìm chế lạm phát.

Mức lãi suất cao lịch sử

Vào đêm 14 tháng 12 năm 2022, FED đã công bố chính thức lãi suất cơ bản tăng thêm 0,5%. Điều này có nghĩa lãi suất cơ bản năm đã ở mức 4,25% đến 4,5%. Đây là tỷ lệ lãi suất cao nhất của Mỹ trong vòng 15 năm qua.

Ngay sau đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Anh cũng tăng thêm lãi suất cơ bản thêm 0,5%. Nói cách khác, mức lãi suất năm sau khi tăng là 2%. Tỷ lệ lãi suất này cũng chưa từng thấy trong vòng 14 năm qua.

Lãi suất sẽ vẫn còn tăng thêm

Trong bài phát biểu đêm hôm 14/12 (theo giờ Việt Nam), ông Powell nói rằng:

“Các dữ liệu về lạm phát tháng 10 và tháng 11 cho thấy sự sụt giảm đáng ghi nhận về tốc độ tăng giá hàng tháng. Tuy nhiên, cần nhiều bằng chứng đáng kể hơn để tin rằng lạm phát đang theo xu hướng giảm ổn định”

Trên cơ sở đó, các chuyên gia tin rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những kỳ họp tới. Việc tăng thêm như vậy có thể khiến lãi suất cơ bản lên đến 5% hoặc 5,25% trong năm 2023.

Theo Richard de Chazal, nhà phân tích kinh tế vĩ mô: “Con số ước tính này cao hơn đáng kể so với các dự báo trước đó, và không ăn khớp với lộ trình thường lệ của FED”.

Châu Âu còn phát đi tin hiệu cứng rắn hơn. Chúng ta biết rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu vừa mới quyết định tăng thêm 0,5% lãi suất. Đây là mức thấp hơn so với hai đợt tăng 0,75% trước đó. Tuy nhiên, sau khi công bố mức lãi suất như vậy, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu tuyên bố:

“Bất kỳ ai nghĩ rằng đây là bước xoay trục của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, họ đã nhầm”. Đồng thời bà cũng hàm ý rằng sẽ tiếp tục tăng thêm lãi suất trong thời gian tới.

Mối quan ngại đã chuyển hướng

Nhìn chung, tuần vừa qua, nhà đầu tư hướng nhiều hơn đến tốc độ lạm phát và lãi suất. Tất nhiên, trước đó cả tháng, người ta đã có niềm tin là cả lạm phát và mức tăng thêm của lãi suất đều có xu hướng giảm.

Quan tâm hơn đối với nguy cơ suy thoái

Tương tự, nguy cơ suy thoái vào cuối năm 2022 hoặc năm 2023 cũng đã được dự báo từ lâu. Đành rằng: “Không ai chắc chắn có hay không xảy ra suy thoái, và nếu có thì mức độ là bao nhiêu”. Đó là theo cách nói của ông Jerome Powell, Chủ tịch FED cách đây một vài tháng.

Hiển nhiên, người ta nên tiếp tục quan sát những bằng chứng rõ ràng hơn về xu hướng giảm ổn định của lạm phát. Mặc dù vậy, các lo ngại dường như đã chuyển hướng sang suy thoái kinh tế.

Với mức lãi suất cao như hiện tại, rủi ro suy thoái cũng sẽ tăng theo. Và vì vậy, mối lo ngại sẽ tập trung nhiều hơn vào suy thoái, mà không phải lạm phát hay lãi suất.

Thị trường bán lẻ giảm mạnh

Hôm qua, ngày 15 tháng 12, Phòng thương  mại Mỹ đã công bố số liệu doanh thu bán lẻ giảm mạnh hơn mức kỳ vọng. Trong đó, mức giảm thực tế của tháng 11 là 0,6%, mức kỳ vọng trước đó là giảm 0,1%.

Nhận định chung với thị trường toàn cầu

Nhìn chung, đây là giai đoạn rất khó để thị trường khả quan. Đành rằng trong xu hướng giảm, vẫn được xen kẽ bởi các phiên tăng. Tuy nhiên, xu hướng thị trường gấu hoặc đi ngang dường như sẽ chiếm ưu thế hơn.

Biến động tiếp theo như thế nào sẽ rất tuỳ thuộc vào số liệu báo cáo Quý IV. Quan trọng hơn cả là tình hình lợi nhuận công ty và tốc độ tăng trưởng, được công bố vào khoảng giữa đến cuối tháng 1 năm 2023.

Giả định tình hình lợi nhuận công ty và tốc độ tăng trưởng thấp hoặc âm. Khi đó, người ta có bằng chứng rõ ràng hơn để lo ngại về nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, ngay cả khi lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng dương, nhưng nhỏ hơn đáng kể so với kỳ vọng, khả năng cao hơn là thị trường vẫn giảm điểm.

Nhận định thị trường trong nước

Điểm lại phiên hôm nay

Dù mở cửa giảm điểm, VN-Index có lúc đã tăng xấp xỉ 1%, đóng phiên buổi sáng vẫn tăng 0,13%. Nói cách khác, thị trường chứng khoán tại Việt Nam sáng nay có đỉnh tăng đáng kể là một trong số ít tại Châu Á. Tuy nhiên, trong suốt phiên, không có ghi nhận giảm đáng kể. Đóng cửa, các chỉ số chính biến động không đáng kể (giảm hoặc tăng nhẹ).

Cổ phiếu thép dẫn đầu thị trường

Có lẽ nổi bật nhất là các cổ phiếu thép như HPG, NKG, và HSG. Cả ba cổ phiếu này trong phiên đều tăng gần trần hoặc tăng trần và dư mua hàng triệu cổ phiếu ngay từ buổi sáng.

Tại sao cổ phiếu thép tăng?

Dường như nguyên nhân là do một loạt tờ báo đã đăng về “giá thép tăng nóng trên sàn Thượng Hải” trong 24 giờ qua. Kèm theo thông tin tăng giá là thông tin xuất khẩu thép của Việt Nam tăng.

Tuy nhiên, các bài viết như vậy trong 24 giờ qua không hề đề cập đến khó khăn của ngành thép. Dự báo chung trên thị trường quốc tế, và cả trong nước là lĩnh vực sản xuất này đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, lợi nhuận sẽ có xu hướng giảm.

Xuất khẩu thép của Việt Nam tăng dường như nguyên nhân là do dư thừa. Có lẽ cũng do sai lầm trong dự báo.

Sản lượng và lợi nhuận ngành thép

Theo hãng tin Reuters hôm qua (ngày 15 tháng 11), sản lượng tháng 11 của Trung Quốc – đứng đầu thế giới về sản xuất thép – chỉ còn 74,54 triệu tấn so với 79,76 triệu tấn của tháng 10. Nghĩa là sản lượng đã giảm tới 6,5%.

Cũng theo bài báo trên, lỗ bình quân cho mỗi tấn thép đang vào khoảng 22,99 USD mỗi tấn cho hai tháng này. Nghĩa là lỗ khoảng 500.000 VND mỗi tấn cho tháng 10 và tháng 11. Tình hình tháng 12 sẽ còn tệ hơn, khi lỗ được dự báo ở mức 28,74 USD, nghĩa là khoảng 680.000 VND mỗi tấn.

Nhận định thị trường VN đến tháng 1 năm 2023

Thị trường Việt Nam đã từng có giai đoạn tăng ngược xu hướng chung của thế giới. Chẳng hạn từ 16 tháng 8 đến mùng 6 tháng 9 năm 2022. Bạn so sánh biểu đồ chỉ số Dow Jones (ở trên) và VN-Index (phía dưới) cho giai đoạn này, như dưới đây:

Nhận định thị trường đến tháng 1 năm 2023

Điều này có lặp lại thêm một lần nữa? Có thể. Nhưng cũng chỉ cho một giai đoạn ngắn nào đó. Như bạn cũng đã thấy ở hình trên. Nếu thị trường Mỹ hay thế giới tiếp tục giảm, thị trường trong nước cũng sẽ phải giảm theo. Cụ thể hơn, kể từ sau ngày 6 tháng 9, đây là giai đoạn mà thị trường trong nước giảm rất mạnh.

Riêng đối với cổ phiếu thép, giả sử thị trường trong nước giảm mạnh theo thế giới. Đồng thời, giả sử thông tin lợi nhuận của ngành thép được truyền tải rộng rãi. Đây là được xem là trường hợp “hoạ vô đơn chí”. Nó có thể khiến cho cổ phiếu thép gặp rủi ro giảm giá rất lớn.

Tác giả, trực tiếp tư vấn: HOÀNG TÙNG THIỆN