Welcome to hoangtungthien.com!

Bạn có thể đánh giá thêm mức độ chính xác của các nhận định nói chung, và về cổ phiếu BĐS, FLC, L14, DIG, CEO nói riêng đầu năm 2022 được đăng trên diễn đàn F247.

nhận định

Những rủi ro tiềm tàng khi thị trường đang hưng phấn

4 Th12, 2022 | Nhận định | 0 Lời bình

Thị trường trong nước đã trở lại giai đoạn phục hồi khá ngoạn mục sau khi chạm đáy vào ngày 15 tháng 11 năm 2022. Đây có vẻ đáng là cơ hội để chúc mừng nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn đang hưng phấn, những rủi ro tiềm tàng nào nhà đầu tư nên lưu ý? Vì nếu không, những thành quả đạt được có thể bị “thổi bay” trong không quá 1 tuần giao dịch.

Nhìn lại cơn sóng lớn

Có thể nói, cơn sóng lớn đầu tiên là vào khoảng cuối năm 2021. Đó là khi thế giới còn chưa thoát khỏi hậu quả của đại dịch Covid, lại phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng và chiến tranh. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi lạm phát tăng cao. Điều đó khiến FED thể hiện thái độ rất cứng rắn khi liên tục tăng lãi suất điều hành ở mức 0,75% trong năm 2022.

Không chỉ vậy, nhà đầu tư dường như quan tâm lớn hơn đến vấn đề suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này khiến cho chỉ số Dow Jones khi chạm đáy đã mất tới khoảng 22% so với đỉnh. Còn tại Việt Nam, VN-Index đã giảm tới gần 40% sau khi trải qua “những cú sụt bất thường“.

Giúp quên những rủi ro tiềm tàng?

Hưng phấn khá dễ nhận thấy ở tốc độ phục hồi giá cổ phiếu rất mạnh vào cuối tháng 11, những ngày đầu tháng 12 năm 2022. Đó dường như là kết quả của những yếu tố thuận lợi. Các yếu tố này được xem xét cả từ thị trường trong nước và quốc tế.

Niềm tin đã trở lại

Chúng ta sẽ lấy biểu đồ chỉ số công nghiệp Dow Jones để mô tả lại quá trình này. Đây là chỉ số điển hình không chỉ của chứng khoán Mỹ, mà cả chứng khoán thế giới. Bởi vì Mỹ là một nền kinh tế khổng lồ. Nó ảnh hưởng và gần như dẫn dắt thị trường toàn cầu.

những rủi ro chứng khoán tiềm tàng

Ảnh: Biểu đồ Dow Jones lấy từ trang Tradingview

Hồi phục khá ngoạn mục

Trước tiên, bạn có thể thấy ngay biểu đồ không chỉ mô tả biến động giá chung của thị trường. Nói cách khác, nó còn mô tả chính xác tâm lý của nhà đầu tư. Những biến động của nền kinh tế khiến nhà đầu tư liên tục đi từ hy vọng đến thất vọng, và ngược lại.

Chứng khoán Mỹ bắt đầu chạm đáy và phục hồi mạnh vào ngày 30 tháng 9 năm 2022. Trong vòng khoảng 2 tháng, Dow Jones chỉ còn cách đỉnh 6,5%. Điều này dường như đã chứng tỏ sự khôi phục đáng kể niềm tin của nhà đầu tư. Tất nhiên, niềm tin như vậy không chỉ ở thị trường Mỹ, mà chính xác hơn là niềm tin của nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Điều gì củng cố niềm tin của nhà đầu tư?

Chúng ta đã lập luận rằng nền kinh tế Mỹ dẫn dắt toàn cầu. Vì vậy, các phân tích dưới đây cũng được lấy số liệu từ kinh tế Mỹ.

Lạm phát đã giảm liên tiếp

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã giảm đáng kể. Trong tháng 10, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 7,7%, thấp hơn mức dự báo 8%. Đây cũng là tháng thứ tư mà tỷ lệ lạm phát liên tục giảm. Thậm chí, ông Jerome Powell, Chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã lạc quan rằng sẽ xem xét giảm mức tăng lãi suất (1). Điều này có thể được công bố trong phiên họp tới đây, vào khoảng giữa tháng tháng 12 năm 2022.

GDP có dấu hiệu phục hồi đáng kể

Một trong những mối quan ngại lớn của nhà đầu tư là suy thoái kinh tế toàn cầu. Nếu điều này xảy ra, ở mức nặng, ảnh hưởng của nó có thể tương đương với khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Trở lại với tăng trưởng GDP của Mỹ thời gian qua. Nền kinh tế này đã trải qua hai quý giảm liên tiếp nửa đầu năm, tương ứng -1,6% và -0,6%. Tuy nhiên, trong Quý 3, GDP của Mỹ đã bật tăng trở lại ở mức 2,9%. Điều này dường như đã góp phần mạnh mẽ vào niềm tin của nhà đầu tư, rằng suy thoái sẽ không xảy ra.

Chứng khoán Việt Nam cũng tăng mạnh

Dù chậm hơn so với thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh từ giữa tháng 11 năm 2022. Chỉ trong vòng hơn một tháng, thị trường, thể hiện qua VN-Index, đã phục hồi khoản 10%. Điều này là nhờ một phần thông tin tích cực từ chứng khoán toàn cầu. Nhưng cũng bao gồm cả yếu tố trong nước. Chẳng hạn lãi suất liên ngân hàng giai đoạn này có xu hướng giảm đáng kể.

Ngoài ra, giá cổ phiếu dường như đã trở nên “quá rẻ”.

Do vậy, có thể nói rằng tâm lý nhà đầu tư cũng đang ở trong giai đoạn đầy hưng phấn. Điều này tưởng chừng đã xoa dịu “nỗi đau” hoảng loạn của thị trường trước đó.

Nguy cơ lạm phát và suy thoái vẫn chưa hết

Áp lực từ thị trường lao động

Theo các chuyên gia phân tích, đây là giai đoạn mà “tin xấu trở thành tốt, và tin tốt trở thành xấu” cho thị trường chứng khoán. Nói cách khác, các nhà điều hành chính sách tiền tệ sẽ “vui hơn” nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng, tiền lương giảm. Tương tự, họ muốn thấy chứng khoán có xu hướng giảm, chứ không bùng nổ như hiện tại. Đúng ra, khi lãi suất tăng, người ta kỳ vọng dòng tiền sẽ chuyển từ chứng khoán vào ngân hàng. Điều này có tác động làm cho chứng khoán hạ nhiệt.

Nhưng thực tế đã không giống những điều người ta kỳ vọng.

Thị trường lao động Mỹ vẫn tăng trưởng nóng. Nó tiếp tục gây áp lực lớn lên cuộc chiến chống lạm phát của FED (1). Những dấu hiệu mới như vậy có thể khiến các nhà điều hành tiền tệ phải thận trọng hơn. Nghĩa là họ sẽ phải cân nhắc về việc có hay không giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tới đây.

Tiềm ẩn rủi ro suy thoái

Mới đây, Mark Zendi, nhà kinh tế học đứng đầu bộ phận phân tích của Mood’s đã thể hiện sự lạc quan đối với nền kinh tế (3). Nói cách khác, ông cho rằng Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng theo bài báo, các chuyên gia kinh tế khác lại tin rằng nguy cơ khủng hoảng vẫn còn. Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Biden cũng cân nhắc về những giải pháp thận trọng đối với nguy cơ suy thoái.

Tình hình tại Châu Âu có vẻ nghiêm trọng hơn. Theo dự báo của Hội đồng Châu Âu (4), hầu hết các quốc gia của khu vực này sẽ bước vào suy thoái kinh tế vào quý cuối cùng của năm 2022. Tin xấu về suy thoái kinh tế có vẻ sẽ vẫn tiếp diễn sang năm 2023.

Tại sao chứng khoán vẫn đang tăng?

Câu trả lời đơn giản là: Chưa xuất hiện các yếu tố “nhãn tiền”. Trong khi đó, lạm phát và tăng trưởng vẫn có những dấu hiệu tích cực. Hơn nữa, theo cách nói của ông Powell: “Không ai biết chắc kinh tế sẽ tăng trưởng hay suy thoái. Nếu có suy thoái, thì cũng không ai biết chắc mức độ suy thoái là bao nhiêu”.

Bạn cần lưu ý gì và khi nào?

Có hai yếu tố quan trọng hơn cả mà nhà đầu tư nên thận trọng. Đầu tiên là các yếu tố vĩ mô. Tiếp theo là tiếp tục xuất hiện các cổ phiếu rủi ro cao, nhưng tăng trưởng quá nóng.

Về các yếu tố vĩ mô

Người ta có cơ sở để tin rằng lạm phát ít có dấu hiệu bất thường hơn. Nói cách khác, các giải pháp kiểm soát lạm phát đang phát huy tác dụng đáng kể. Điều nay vẫn đúng mặc dù bạn lưu ý đến áp lực của thị trường lao động như đã nêu trên.

Yếu tố cần lưu tâm hơn là tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, có hay không xảy ra suy thoái? Nếu có, mức độ nặng nhẹ thế nào? Người ta chỉ biết được khá chắc chắn khi chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng được công bố hàng quý. Công bố gần nhất tới đây về tốc độ này của Mỹ là vào khoảng nửa cuối tháng 1 tháng 2023.

Nếu xuất hiện các yếu tố tiêu cực bất bất ngờ, thị trường sẽ rơi vào hoảng loạn. Yếu tố bất ngờ có thể là FED vẫn duy trì tỷ lệ tăng lãi suất cao. Nhưng đó cũng có thể là tốc độ tăng trưởng GDP Quý 4 rất thấp, thậm chí âm. Điều này chưa hẳn đã không thể xảy ra. Dù sao, việc nâng lãi suất, gần đây nhất là đầu tháng 11/2022, cũng cần thời gian để “ngấm”.

Các cổ phiếu yếu tiếp tục tăng quá nóng

Một số nhà đầu tư đã “chế” vui thành câu nói “chết 3 – 4 lần trên một dòng sông”. Đó là khi đề cập đến những cổ phiếu đầy rủi ro như L14, CEO, và DIG. Chẳng hạn, CEO đã tăng trần hoặc sát trần đến 13 phiên gần đây, trừ một phiên giảm gần sàn. Nhưng một khi thị trường giảm sâu, nó tiếp tục “dẫn đầu” về tốc độ lao dốc. Điều này đã được chứng minh trong năm qua. Đây được xem là nhóm có tốc độ giảm mạnh nhất, đôi khi lên đến hơn 90%.

Nếu bạn tinh ý, ngay cả khi tốc độ tăng giá của CEO là 10% đi nữa, nó vẫn không hiệu quả. Trong khi rủi ro lại rất cao. Chúng ta sẽ làm một phép so sánh đơn giản với cổ phiếu khác. Chẳng hạn, giả sử bạn là người có kinh nghiệm và bạn dùng margin 50:50 các cổ phiếu với độ an toàn cao. Khi đó, nếu cổ phiếu này tăng trần, lợi nhuận sẽ là 14% mỗi phiên.

Ở giai đoạn này, không thiếu những cổ phiếu như vậy. Bạn vừa an toàn, vừa đạt lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt là khi bạn kết hợp mua bán luân chuyển giữa các cổ phiếu an toàn, tăng trưởng cao. Chúng ta biết đó là kỹ thuật lướt sóng. Kỹ thuật lướt sóng hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư dài hạn ở thị trường trong nước.

Nhìn chung, ngay khi thị trường hưng phấn nhất, bạn vẫn nên thận trọng. Nếu nói về “lái chứng”, đây chính là cơ hội “ngàn năm có một” để họ kéo giá. Còn hậu quả thì dường như nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm đã có thể hình dung.

Tác giả, trực tiếp tư vấn: HOÀNG TÙNG THIỆN