Welcome to hoangtungthien.com!

Bạn có thể đánh giá thêm mức độ chính xác của các nhận định nói chung, và về cổ phiếu BĐS, FLC, L14, DIG, CEO nói riêng đầu năm 2022 được đăng trên diễn đàn F247.

nhận định

Phân tích cơ bản trong đầu tư chứng khoán

18 Th5, 2022 | Chứng khoán | 0 Lời bình

Phân tích cơ bản là một phương pháp đo lường giá trị nội tại của chứng khoán. Điều này được thực hiện bằng cách xem xét các yếu tố liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty. Hoạt động phân tích cơ bản nghiên cứu mọi yếu tố đáng kể có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán của công ty đó. Những yếu tố này bao quát từ kinh tế vĩ mô cho đến các vấn đề nội tại trong doanh nghiệp.

Mục tiêu của phân tích cơ bản

Mục tiêu cuối cùng của phân tích cơ bản là xác định được mức giá hợp lý và đối chiếu với giá hiện tại của chứng khoán đó. Khoảng chênh lệch sẽ cho biết chứng khoán đang bị định giá quá cao hay quá thấp. Phụ thuộc từng trường hợp cụ thể mà nhà đầu tư sẽ quyết định mua hoặc bán một cổ phiếu.

Phân tích vĩ mô và vi mô

Phân tích cơ bản bao gồm hai hướng tiếp cận: Từ trên xuống, hay phân tích vĩ mô; và từ dưới lên, hay phân tích vi mô. Phân tích vĩ mô sẽ xem xét những đề liên quan đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có tính đến ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu. Các yếu tố cần xem xét có thể bao gồm: Chính sách phát triển, tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát, thay đổi lãi suất, …

Trong khi phân tích vi mô chú trọng đến những vấn đề nội tại, hay có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Ở những phần tiếp theo, chúng ta sẽ chỉ đề cập đến phân tích cơ bản liên quan đến các yếu tố vi mô.

Các loại phân tích cơ bản

Trong phân tích cơ bản, người ta sử dụng hai phương pháp, gồm phân tích định lượng và định tính.

Phân tích định tính

Phân tích định tính là việc sử dụng thông tin không định lượng được để đánh giá triển vọng đầu tư vào một công ty. Người ta chỉ có thể dùng các mức đánh giá mang tính tương đối để kết luận về các yếu tố định tính. Chẳng hạn như một thông tin được đánh giá ở mức tốt, xấu hay cao, trung bình, thấp.

Các yếu tố chính khi phân tích

Thông tin chính cần phân tích bao gồm: Năng lực quản trị doanh nghiệp, sự hài lòng của các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp.

Ngoài, còn có rất nhiều yếu tố khác cũng cần phải được xem xét khi phân tích định tính. Chúng bao gồm lợi thế cạnh tranh, giá trị thương hiệu, các thành tích đã đạt được trong ngành, v.v. Những yếu tố này có thể không được định lượng một cách chính xác. Tuy nhiên, chúng vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình đánh giá một công ty.

Vấn đề của phân tích định tính

Phân tích định tính tất nhiên có đóng góp quan trọng trong phân tích cơ bản. Tuy nhiên, cả yếu tố định tính và vĩ mô như đã đề cập ở trên, trong nhiều trường hợp, rất khó xác định. Chúng có thể xuất hiện bất kỳ khi nào và biến động khó lường. Chẳng hạn, cuộc chiến tranh giữa Nga – Ucraina hiện tại. Người ta rất khó đoán biết quyết định của các bên liên quan đến giá dầu mỏ, hay chiến tranh kéo dài bao lâu. Từ đó đánh giá mức độ tác động lên kinh tế toán cầu nói chung về lạm phát, thất nghiệp, sản xuất đình trệ, … hay tác động lên một ngành cụ thể.

Mặc dù vậy, ở mỗi thời điểm hay giai đoạn, nhà đầu tư vẫn nên cố gắng đến mức có thể để xác định hoặc đánh giá thông qua các thị trường khác. Ví dụ phản ứng của nhà đầu tư chứng khoán Mỹ dẫn đến biến động của các chỉ số như Dow Jones, S&P 500.

Phân tích định lượng

Phân tích định lượng là một bộ phận của phân tích cơ bản, gồm bất kỳ hoạt động nào có sử dụng thông tin ở dạng số liệu. Nói cách khác, đặc điểm của phân tích định lượng là luôn gắn liền với việc tính toán và dự đoán dưới dạng con số.

Nguồn thông tin sử dụng

Một trong những nguồn thông tin quan trọng được sử dụng khi phân tích định lượng là báo cáo tài chính. Các nhà đầu tư hay phân tích sẽ dựa vào chúng để xem xét hoặc tính toán nhiều chỉ tiêu khác nhau.

Tuy nhiên, cũng giống như phân tích vĩ mô và phân tích định tính, nguồn thông tin sử dụng trong phân tích định lượng cũng rất đa dạng. Nhà đầu tư có thể khai thác số liệu trên các trang web chuyên ngành hay từ bất kỳ nguồn thông tin nào khác. Mặc dù vậy, trước khi sử dụng, chúng cần phải được đánh giá về mức độ tin cậy.

Các yếu tố trong phân tích định lượng

Các yếu tố được tính toán và sử dụng trong phân tích định lượng cũng khá phong phú. Chẳng hạn như doanh thu, chỉ số giá cổ phiếu trên thu nhập (chỉ số P/E), và rất nhiều các chỉ số khác. Mục tiêu là để xác định các xu hướng, hoặc đặc điểm để có thể chỉ ra bất kỳ cơ hội tăng giá nào. Trong thực tế, báo cáo tài chính, như đã đề cập ở trên, không chỉ là nguồn số liệu, mà bản thân nó cũng chính là đối tượng phân tích. Chúng ta thường gọi đó là phân tích báo cáo tài chính.

Một số nhà phân tích rất thường xuyên sử dụng hai chỉ số, gồm giá trên thu nhập (chỉ số P/E) và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (chỉ số EPS). Trong phân tích cơ bản, nếu có hai công ty có giá trị tương đương nhau và một công ty có EPS cao hơn hoặc tỷ lệ PE thấp hơn thì đó có thể là cơ hội đầu tư tốt hơn. Hiển nhiên, chúng ta mới đang chỉ nhìn nhận chúng ở dạng dấu hiệu. Quyết định đầu tư cần dựa trên phân tích và tổng hợp nhiều yếu tố.

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Phân tích định lượng thường có thể liên quan đến phân tích kỹ thuật. Bởi vì cả hai đều sử dụng dữ liệu và xu hướng để cố gắng dự đoán sự biến động của giá chứng khoán trong tương lai. Phân tích kỹ thuật là thường một biểu hiện trực quan hơn của dữ liệu, chẳng hạn dưới dạng biểu đồ. Trong khi đó, định lượng trong phân tích cơ bản đề cập đến các chỉ tiêu dưới dạng số liệu.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng nên kết hợp cả hai hướng phân tích này khi đánh giá chứng khoán. Điều đó sẽ giúp nhà đầu tư có một cái nhìn bao quát và sâu sắc hơn.

Tác giả, trực tiếp tư vấn: HOÀNG TÙNG THIỆN