Welcome to hoangtungthien.com!

Bạn có thể đánh giá thêm mức độ chính xác của các nhận định nói chung, và về cổ phiếu BĐS, FLC, L14, DIG, CEO nói riêng đầu năm 2022 được đăng trên diễn đàn F247.

nhận định

Thói quen xấu nào khiến bạn trở nên kém hiệu quả?

15 Th12, 2022 | Kiến thức | 2 Lời bình

Đó là thói quen xấu mà đôi khi tôi được một số bạn chia sẻ. Nghĩa là nhà đầu tư chỉ có thể theo dõi và giám sát liên tục khoảng 5 cổ phiếu trong danh mục đã cảm thấy khó khăn. Theo dõi, giám sát liên tục ở đây nghĩa là theo dõi biến động của lượng và giá trong mỗi phiên giao dịch. Bài viết sẽ chỉ ra nguyên nhân tại sao và cách bạn sửa thành thói quen tốt để trở nên hiệu quả hơn khi đầu tư cổ phiếu.

Ngoài ra, các phân tích dưới đây đúng nhiều hơn với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nghĩa là họ dành phần lớn thời gian quan sát phiên giao dịch. Đồng thời, phân tích này cũng chỉ có ý nghĩa hơn với những bạn sử dụng máy tính và giao dịch trên nền tảng web. Nói cách khác, nó ít, hoặc không ý nghĩa đáng kể với ứng dụng trên điện thoại.

Nguyên nhân và hậu quả của thói quen xấu

Chúng ta sẽ cùng nhận thức nguyên nhân của thói quen xấu mà nhiều nhà đầu tư mắc phải. Điều này khiến bạn chỉ quan sát được một số lượng hạn chế các cổ phiếu. Thói quen xấu đã được đề cập ngay trong phần giới thiệu. Dường như chúng ta chỉ quan sát hiệu quả cho khoảng 3 đến 5 cổ phiếu mỗi phiên.

Vì sao vậy? Đó là vì thông thường, bạn có xu hướng tập trung cao độ vào các cổ phiếu đã mua và đang nắm giữ. Ưu tiên thứ hai của bạn là các cổ phiếu dự định mua.

Để cảm xúc “nhảy nhót” theo những con số

Khi quan sát các cổ phiếu đã mua và đang nắm giữ, chúng ta thường để cảm xúc “nhảy nhót” theo lượng và giá. Chúng ta mong muốn những gì?

Thứ nhất, mong có thêm lệnh để khối lượng ở bên mua lớn hơn, thậm chí tăng đột biết. Đồng thời, lượng đặt bán giảm dần theo thời gian. Tại sao vậy? Vì khi cầu tăng, cung giảm, giá sẽ có xu hướng tăng, thậm chí tăng mạnh.

Thứ hai, chúng ta mong giá khớp lệnh tăng càng nhanh càng tốt.

Những mong muốn nêu trên là hợp lý. Bởi nó khiến giá cổ phiếu bạn đang nắm giữ sẽ tăng.

Đối với các cổ phiếu chờ mua thì chúng ta mong muốn ngược lại. Đó là khoảng thời gian, hay phần lớn thời gian, chúng ta đang làm một việc khá vô nghĩa. Và vì vậy, hiệu quả đầu tư của bạn sẽ rất thấp. Nguyên nhân vì sao, chúng ta sẽ chi tiết thêm ở những phần sau.

Hậu quả của thói quen xấu

Chúng ta sẽ xem xét hậu quả của thói quen xấu cho hai trường hợp. Nghĩa là cho cả trường hợp mua vào và bán ra. Nguyên nhân đã được chỉ ra ở trên. Nói cách khác, bởi vì chúng ta quá tập trung và để cảm xúc xen vào trong suốt phiên giao dịch. Dưới đây là những hậu quả:

Không bán khi giá tăng mạnh

Đáng ra khi giá tăng vọt, bạn nên dành thời gian cân nhắc bán. Nhưng vì chúng ta mong giá cao hơn nữa, thậm chí tăng trần, chúng ta thường bỏ lỡ cơ hội. Việc bỏ lỡ trở nên rõ ràng hơn nếu sau khi tăng mạnh, chúng giảm mạnh trở lại.

Ai cũng muốn cổ phiếu tăng lên giá trần. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công thường là thấp hơn nhiều so với giá dưới trần. Thậm chí, vì không bán, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội mua vào những cổ phiếu khác. Trong khi tiềm năng tăng giá của các cổ phiếu này còn tốt hơn là để giá cổ phiếu đang nắm giữ tăng trần.

Ở trên, chúng ta chỉ nói rằng “dành thời gian cân nhắc bán”. Nghĩa là đây không phải lời khuyên bạn nên bán khi giá tăng. Cụ thể hơn, nhà đầu tư nên dành thời gian vào việc hữu ích hơn là chỉ ngồi quan sát và đưa cảm xúc vào một cách vô ích. Rất có thể sau khi cân nhắc, bạn vẫn giữ lại cổ phiếu. Nhưng ngay cả khi đó, thời gian của bạn đã được sử dụng một cách hiệu quả.

Mua với giá đã quá cao

Vì có ít lựa chọn, nên nếu một cổ phiếu bạn muốn mua có xu hướng tăng giá, thường nhiều nhà đầu tư sẽ lập tức mua vào. Thậm chí, chúng ta có thể vội đến mức đặt luôn lệnh MP. Việc làm như vậy có vẻ là một sai lầm lớn ở thời điểm mà giá cổ phiếu đã tăng cao. Nghĩa là giá đã đạt trần, hoặc tiệm cận đến mức trần.

Khả năng hiệu quả khi mua giá cao dường như sẽ khá khiêm tốn. Nghĩa là thông thường, hiệu quả chỉ đáng kể nếu thị trường tiếp tục có xu hướng tăng, hoặc tăng mạnh, đến khi cổ phiếu thoả mãn điều kiện bán. Ngược lại, khả năng lỗ sẽ cao hơn. Tệ hơn, nếu thị trường giảm điểm, đó sẽ là những cổ phiếu lao dốc nhanh nhất.

Tóm lại, thói quen xấu đã đề cập khiến nhà đầu tư trở nên rất kém hiệu quả.

Cách bạn sửa và hình thành thói quen tốt

Ở phần này, bạn sẽ được giới thiệu lợi ích và nguyên tắc chung để sửa thói quen xấu. Tiếp theo, bạn sẽ tập dần qua các bước chi tiết ở phần sau để hình thành thói quen mới. Thói quen mới này sẽ giúp bạn quan sát hàng chục cổ phiếu cùng lúc. Khi đó, bạn sẽ tận dụng hiệu quả hơn nhiều đối với cả cơ hội mua vào và bán ra.

Vì sao nên quan sát nhiều cổ phiếu?

Thường thì không bao giờ bạn “bắt” được ngay cơ hội đầu tiên. Bởi vì chúng ta có một băn khoăn là không biết đó đã là giá cao hay thấp. Chúng ta cũng không biết chỉ số chính sẽ tiếp tục tăng hay giảm. Và vì vậy, tối thiểu sẽ có một cho đến vài cơ hội bị bỏ lỡ.

Nhưng khi quan sát danh mục lớn, nghĩa là nhiều cổ phiếu cùng lúc, bạn sẽ thấy rằng một cơ hội mất đi thường sẽ luôn xuất hiện cơ hội mới. Một khi bạn quan sát được nhiều cổ phiếu, khả năng “bắt” được cổ phiếu giá tốt cao hơn nhiều. Tương tự khi bạn lựa chọn cơ hội bán ra.

Nguyên tắc chung khi tập thói quen

Sửa thói quen xấu nghĩa là chúng ta từ bỏ các thói quen xấu như đã nêu trên. Mục đích là để bạn có thể đồng thời quan sát một vài chục mã. Trong trường hợp dùng nhiều máy tính, bạn có thể quan sát lên đến hàng trăm mã.

Đầu tiên, bạn đừng để quá nhiều cảm xúc chen lấn vào trong quá trình quan sát. Hãy kệ thị trường làm việc của nó, đừng mong muốn theo ý chí cá nhân. Cụ thể hơn, bạn đừng mong muốn hay chờ đợi nhà đầu tư thêm lệnh mua, hay lệnh bán.

Những cổ phiếu không cần để ý

Đối với các cổ phiếu còn chưa thoả mãn điều kiện bán, tốt nhất là bạn đừng để ý. Cụ thể hơn, khi các cổ phiếu mới ở thời điểm T+0, hay T+1, chúng ta quan sát để làm gì? Nói cách khác, bạn chỉ nên phân bổ thời gian nhiều hơn cho các cổ phiếu đã thoả mãn điều kiện bán. Nếu đã ở mức giá kỳ vọng, bạn nên bán. Phần là để chốt lợi nhuận, phần là bạn chuyển sang mua cổ phiếu an toàn và có kỳ vọng lớn hơn từ các mã đang quan sát.

Tăng dần số cổ phiếu trong danh mục

Giả định bạn chỉ mới quen với quan sát liên tục 3 cổ phiếu. Bạn có thể tăng lên 5 hoặc 10 cổ phiếu trong danh mục yêu thích.

Tập từ bỏ dần cho việc chỉ tập trung vào các mã đã mua, hoặc có ý định mua. Phần thời gian còn lại, bạn nên liên tục rà soát các cổ phiếu khác theo định kỳ. Định kỳ ở đây có thể là 5 hoặc 10 phút một lần. Việc rà soát như vậy nên tập trung trước hết vào cột khớp lệnh.

Dấu hiệu để bạn hướng mắt đến là các vùng “nhấp nháy” trong cột này. Bởi vì đây là cột cho biết biến động giá. Nếu không “nhấp nháy”, nghĩa là không có biến động. Và một khi không có biến động, chúng ta không cần để ý. Chúng ta cần đặc biệt để ý hơn với những mã mà cột khớp lệnh “nhấp nháy” liên tục. Điều này có nghĩa xu hướng giá có khả năng biến động rất nhanh, hoặc tăng, hoặc giảm.

Nếu việc nhấp nháy liên tục theo xu hướng tăng và nếu đang nắm giữ, bạn nên bắt đầu tập trung hơn. Mục đích là chuẩn bị lệnh trước hoặc chờ đợi cơ hội bán với giá MP. Tất nhiên, bạn cần có kế hoạch trước phiên giao dịch về cổ phiếu và giá bán.

Ngược lại, bạn chờ đợi cơ hội mua.

Ưu tiên thứ hai là các cột chờ mua và chờ bán. Rất có thể, bạn phát hiện ra “điều gì đó”. Chẳng hạn như bạn tận dụng kỹ thuật thao túng giá cổ phiếu. Thông thường, sự gia tăng đột biến của lệnh mua bán sẽ kèm theo khớp giá liên tục như đã nêu trên.

Khi đã quen, bạn tăng dần số lượng cổ phiếu trong danh mục yêu thích (hoặc danh mục quan tâm).

Những khó khăn bạn có thể gặp

Tập lại một thói quen bao giờ cũng khó. Trước tiên là bạn luôn bị cám dỗ hướng vào các cổ phiếu đã mua. Khó khăn tiếp theo là bạn lướt qua định kỳ, nhưng không nhớ được sự biến động của giá. Mà đã không nhớ được, việc quan sát trở nên ít ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng. Thời gian sẽ giúp bạn nhớ dần các con số về giá, theo từng mã cổ phiếu.

Nhưng giả định bạn đã quen với việc quan sát số lượng lớn cổ phiếu. Vẫn còn một số câu hỏi quan trọng nữa: Đâu là thời điểm và giá bán tốt nhất? Tương tự, đâu là thời điểm và giá mua tốt nhất? Câu trả lời sẽ có trong những bài viết sau.

Tác giả, trực tiếp tư vấn: HOÀNG TÙNG THIỆN