Một loạt bài báo trong 24h trước đó đã thể hiện kỳ vọng vào Trung Quốc mở cửa, như Vnexpress. Thậm chí giới phân tích còn tin vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu bạn cũng đặt đặt kỳ vọng quá mức như vậy, rất có thể là một sai lầm lớn. Tại sao? Chúng ta sẽ cùng phân tích ngay sau đây.
Trung Quốc mở cửa nền kinh tế
Có lẽ đây là thông tin không còn lạ lẫm đối với hầu hết nhà đầu tư. Theo như các trang tin tức, quốc gia này sẽ chính thức mở cửa vào ngày 8 tháng 1 năm 2023. Nhìn chung, đây giống như chấp nhận “sống chung với lũ”. Nói cách khác, Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn về chính sách Zero – Covid. Nó đã được áp dụng trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là tin trên “báo chính thống”. Dường như không giống chút nào với thực tế mà chúng ta sẽ nêu trong phần sau.
Chứng khoán Châu Á có thực sự bùng nổ?
Một số bài báo đã giật tít như “chứng khoán Châu Á bùng nổ“. Rồi “bùng nổ đơn hàng“. Thực ra, gọi là bùng nổ, nhưng nó chỉ xảy ra ở một số ít thị trường chính. Phiên hôm qua, chỉ số Shanghai (Trung Quốc) tăng 0,98%. Chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) đóng cửa phiên sáng nay tăng 2,14%. Nhưng phiên chiều nay, chỉ số này có lúc giảm về mức sát 1%.
Nếu tổng kết thị trường Châu Á, phiên hôm nay, bạn chỉ thấy sắc xanh trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông. Phần còn lại của Châu Á, sắc đỏ vẫn bao trùm:
Dường như giảm nặng nhất là tại thị trường Hàn Quốc. Hiện chỉ số Kospi đang giảm tới trên 2%.
Chính sách mở cửa của Trung Quốc có gì?
Kết luận được đánh giá theo trang tin Yahoo!Finance, mới đăng đêm qua (theo giờ Việt Nam). Từ nội dung bài báo, chúng ta đi đến một số kết luận sau:
Thứ nhất, theo ước tính, Trung Quốc vẫn đang phải gánh chịu thiệt hại nặng, với hàng triệu ca mắc và khoảng 5.000 người chết mỗi ngày;
Thứ hai, chưa rõ ràng về việc có hay không cấp visa du lịch;
Thứ ba, phản ứng đang rất trái chiều. Bên cạnh những người ủng hộ, vẫn có những người phản đối chính sách mở cửa do lo lắng về nạn dịch.
Nói cách khác, chúng ta còn xa mới nên đặt niềm tin vào chính sách mở cửa tới đây. Ít nhất, như đã đề cập, nạn dịch Covid là vấn đề nan giải đối với Trung Quốc ba năm qua. Giả định các ước tính về số ca nhiễm bệnh và số ca chết như trên là chính xác. Khi đó, dịch Covid còn là vấn đề nhức nhối đối với Trung Quốc hiện tại và trong tương lai.
Trung Quốc mở cửa có ảnh hưởng gì?
Đáng ra, việc Trung Quốc mở cửa không nên có ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán. Bởi vì chính sách này không cải thiện được tình trạng dịch bệnh. Và vì vậy, nó gần như không thể có ảnh hưởng nào đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách này đã dẫn đến phản ứng của một số thị trường. Chủ yếu là Trung Quốc phiên hôm qua, và Hồng Kông phiên hôm nay.
Phản ứng của chứng khoán quốc tế
Thị trường Mỹ đêm qua (theo giờ VN) vẫn phản ứng rất thận trọng. Đóng phiên, Dow Jones tăng nhẹ 0,11%. Trong khi S&P 500 và Nasdad giảm đáng kể đến khá mạnh, tương ứng là 0,40% và 1,38%. Lý do là thông tin tiêu cực từ hoạt động của một số tập đoàn Mỹ cũng như mối lo ngại về suy thoái vẫn rất phổ biến.
Thị trường chính tại Châu Âu phiên hôm qua có tăng. Nhưng cao nhất là chỉ số CAC 40 (Pháp), tăng 0,70%. Các chỉ số khác đều nằm ở mức dưới 0,50%.
Phản ứng của thị trường Việt Nam
Dường như giới báo chí trong nước đã đón chào thông tin này “nồng nhiệt” nhất. Chỉ có điều, họ đã đưa tin quá kỳ vọng. Thậm chí thông tin được đưa thiếu chính xác và không đầy đủ. Đó có lẽ là lý do chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh cả phiên hôm qua và phiên hôm nay. Với mức tăng tương ứng là 1,97% và 1,10%.
Nhưng dù sao, đây cũng chỉ nên xem là phản ứng tức thời, chứ không phải dài hạn. Vẫn rất khó xuất hiện yếu tố tích cực dài hạn nào. Vì vậy, nhận định vẫn không thay đổi như trong bài viết trước.
Sẽ an toàn và có cơ hội hơn nếu xuất hiện thông tin tích cực. Nhưng cơ hội này gần như ít xảy ra. Vì vậy, việc tăng nóng hai phiên vừa qua khả năng cao sẽ gây áp lực đáng kể cho hai phiên còn lại của năm 2022.