Có thể nói rằng Novaland đã lâm vào tình trạng không lối thoát. Nội dung bài viết này sẽ trả lời cho câu hỏi tại sao xem như Novaland đã chính thức vỡ nợ. Vì vậy, nếu có ý định mua cổ phiếu NVL trong đợt phát hành tới đây, bạn nên rất cẩn trọng. Bởi vì tương lai “bánh vẽ” của Tập đoàn này có thể khiến nhiều “chứng sỹ” sập bẫy.
Thoả mãn “khái niệm VỠ NỢ”
Vỡ nợ thực ra là khái niệm thông dụng khi một cá nhân hay tổ chức lâm vào tình trạng phá sản. Trong đó, phá sản được định nghĩa tại Khoản 1 và Khoản 2, Luật phá sản năm 2014.
Bạn có thể đã biết thông tin về việc chậm thanh toán các lô trái phiếu hàng nghìn tỷ của Novaland. Tuy nhiên, với những người có thông tin hoặc kinh nghiệm, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Cụ thể hơn, trong 78.000 tỷ nợ ngắn hạn trên Báo cáo hợp nhất tại ngày 31 tháng 12 năm 2022, hẳn phải có đến cả đống nợ “lưu cữu” từ nhiều năm?
Chỉ tính riêng các khoản nợ vay ngắn hạn từ ngân hàng và nợ trái phiếu đã lên đến 29.000 tỷ đồng. Đây là khoản nợ được pháp luật quy định rất chặt chẽ, chứ không “… để lâu hoá bùn” như, chẳng hạn, nợ nhà thầu.
Cú lừa ngoạn mục?
Một trong những cú lừa lớn nhất từ phát ngôn của Novaland, cũng như trên truyền thông, là tính sở hữu các dự án và nghĩa vụ trả nợ?
Những pháp nhân độc lập
Chúng ta nên nhớ rằng Novaland là một pháp nhân độc lập. Điều này cũng tương tự với các công ty con của Novaland. Nghĩa là mọi tài sản và nguồn vốn, bao gồm các khoản nợ, mỗi pháp nhân này đều tự chịu trách nhiệm một cách độc lập.
Bạn có thể tìm hiểu thêm tại Điều 74 và Điều 75, Bộ luật dân sự năm 2015.
Để dễ hiểu hơn, bạn hãy hình dung Tập đoàn Novaland là một gia đình lớn. Ông bà có tài sản và nghĩa vụ trả nợ riêng, gia đình bố mẹ hay con cháu cũng vậy.
Tại sao nói bạn bị lừa?
Trong rất nhiều phát ngôn, và trên truyền thông, các dự án của công ty con dường như được xem là của Novaland vậy? Điều tương tự cũng xảy ra đối với các khoản nợ. Đành rằng Tập đoàn này có quyền chi phối, nhưng không có nghĩa xem các dự án là tài sản thuộc sở hữu riêng mà họ có toàn quyền quyết định.
Nhưng một khi dự án của công ty con được đánh đồng là dự án của Novaland, nó sẽ đánh lừa được rất nhiều nhà đầu tư về tiềm năng tăng giá cổ phiếu? Đó là chưa kể đến các dự án này đang vướng mắc các vấn đề nghiêm trọng về pháp lý. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa hề tính đến việc các dự án có thực sự hiệu quả hay không.
Cần xem xét trách nhiệm hình sự?
Hành vi của Novaland như nêu trên có thể bị xem là “công bố thông tin sai lệch”, “gây hiểu nhầm nghiêm trọng” theo Khoản 1, Điều 12 – Các hành vi bị nghiêm cấm …, Luật chứng khoán năm 2019?
Vì vậy, Tập đoàn này cần phải bị điều tra và xử lý theo Điều 209, Bộ luật hình sự năm 2015?
Không lối thoát?
Gần như mọi cách cửa “cứu rỗi” đều đóng sập với tương lai của Novaland.
Cạn tiền từ dự án và vi phạm công bố thông tin?
Trước hết, dường như tất cả các dự án trọng điểm của Tập đoàn này đều vướng vào vấn đề pháp lý. Tất nhiên, đây không nên được xem là vấn đề pháp lý của “ngày hôm nay”. Nói cách khác, những vấn đề nghiêm trọng về pháp lý đã xảy ra từ nhiều năm trước. Mặc dù vậy, dường như “bằng cách nào đó”, chúng đã bị che đậy?
Chẳng hạn, Novaland biết rằng dự án tại Biên Hoà vướng vấn đề quy hoạch từ 2 năm nay. Tình trạng này, theo chính họ, có thể khiến Tập đoàn vỡ nợ. Nhưng tại sao, từ 2 năm nay, Tập đoàn này lại không công bố theo quy định tại Điểm r, Khoản 1, Điều 11, Thông tư 96/2020/TT-BTC?
Liệu đây có thể được xem là hành vi “che dấu thông tin” và cần bị xử lý theo quy định tại Điều 209, Bộ luật hình sự đã nêu trên?
Mặc dù vậy, khi các vấn đề pháp lý dần được công khai trên các phương tiện đại chúng, nguồn tiền thu từ dự án xem như bị đóng. Hoặc ít nhất, nguồn thu này trở nên rất hạn hẹp. Dường như đó là lý do tại sao doanh thu hợp nhất Quý I năm 2022 chỉ còn khoảng 30% so với năm 2021.
Nguồn trái phiếu bị đóng hoàn toàn
Nguồn từ tiền vay, đặc biệt là phát hành trái phiếu, xem như cũng không còn. Nguồn vay từ trái phiếu được xem như đặc biệt, vì tổng vay ngắn và dài hạn lên đến trên 44.000 tỷ đồng. Bạn có thể xem chi tiết trong Thuyết minh số 24, trang 61, Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022. Nghĩa là chỉ tính riêng vay trái phiếu đã chiếm khoảng 68% tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, bạn cũng đã biết rằng Novaland không trả được hàng nghìn tỷ nợ gốc và lãi trái phiếu quá hạn. Vì vậy họ cũng không thể huy động thêm từ nguồn này do quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 9, Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
Hy vọng hay tuyệt vọng?
Dường như cánh cửa duy nhất mà Novaland hy vọng là phát hành thành công 2,9 tỷ cổ phiếu mới. Chúng ta nói là cánh cửa duy nhất vì chỉ có nguồn này mới mang lại khoản tài chính đủ lớn để giúp Novaland “thoát nạn vỡ nợ”.
Nhưng hy vọng này xem như cũng rất mong manh.
Trong tình cảnh éo le
Chỉ cần nói về tình trạng tài chính và dự án, có thể tin rằng cổ phiếu NVL đã vô cùng rủi ro. Đáng ra, từ nhiều năm trước, giá NVL chỉ đáng cốc trà đá hoặc bán theo kg, chứ không thể đạt mức giá lên đến xấp xỉ 100.000 đồng. Nhưng không quá khó hiểu khi bạn quan sát vụ án đang xét xử về làm giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, ở bài viết sau, bạn sẽ tìm hiểu thêm về vai trò của Kiểm toán PWC trong, có thể xem, là vụ vỡ nợ khổng lồ này.
Giá cổ phiếu NVL dường như đang được điều chỉnh về đúng giá trị hơn, ở mức khoảng 13.000. Nhưng xu hướng tiếp tục giảm vẫn là rất cao, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn trong các phần tiếp theo.
Không tồn tại “thiên thời”?
Chúng ta đang nói về tình hình kinh tế toàn cầu, trong nước, cũng như nói riêng về ngành bất động sản.
Tình trạng chung của nền kinh tế thế giới hiện nay chưa thể được xem là tồi tệ nhất. Nói cách khác, xu hướng sẽ còn tệ hại hơn, ít nhất đến hết Quý III năm 2023. Lãi suất hiện tại theo quy định của FED đã đạt mức cao lịch sử từ năm 2007. Mặc dù kiềm chế được lạm phát, nhưng nó khiến cho nền kinh tế “liểng xiểng”, hay có thể đi vào suy thoái nhẹ. Vấn đề đang được bộc lộ rõ nét nhất ở hệ thống ngân hàng, lợi nhuận doanh nghiệp, và tốc độ tăng trưởng GDP.
Thiếu vắng “địa lợi”?
Bạn cũng biết rằng Chính phủ đang “rất nỗ lực”, ít nhất là nhiều “chứng sỹ” nói rằng nỗ lực “trên tivi”. Tuy nhiên, ngay cả có thực tế đi nữa thì nền kinh tế Việt Nam quá bé, và sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế thế giới.
Đó là chúng ta còn chưa bàn sâu đến tính chất chính trị và pháp luật. Nói cách khác, khi xem trên phương tiện đại chúng, để kín kẽ, tốt nhất chúng ta nên dùng câu nói thông dụng là “nhà văn nói láo …”.
Và không hề có “nhân hoà”?
Dường như “hình ảnh” mà nhiều “nhà đầu tư” kỳ vọng nhất là ông Bùi Thành Nhơn. Chúng ta cũng biết rằng ông này đang có ước mơ trở thành “nhà ái quốc vĩ đại”. Đó là khi ông bày tỏ xây dựng “thương hiệu quốc dân” trong bức “Tâm thư”.
Cùng với “tấm lòng bao la ấy”, ông đã “úp” thành công hàng ngàn “chứng sỹ” để thu tới khoảng 7.700 tỷ đồng khi cổ phiếu NVL đang ở mức giá đỉnh.
Nhìn chung, ai cũng có thể thấy đó là một “nhà ái quốc” với “chiếc bô vĩ đại”, theo cách nói thông dụng của “chứng sỹ”.
Xem như Novaland chính thức VỠ NỢ?
Ở trên, chúng ta biết rằng hy vọng duy nhất để Novaland thoát hiểm là phát hành thành công khoảng gần 3 tỷ cổ phiếu mới. Về mặt bản chất, họ thu tiền từ các cổ đông này để trả nợ là chính. Bởi vì nếu thành công, Tập đoàn cũng chỉ đủ để trả nợ 29.000 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn đã nêu. Đó là chúng ta bỏ qua các khoản nợ phải trả nhà thầu, nhà cung cấp, … Bởi vì tổng nợ ngắn hạn thực tế của Tập đoàn này là 78.000 tỷ đồng theo Báo cáo hợp nhất năm 2022.
Nói cách khác, gần như không có cơ hội nào để họ dành ra một khoản tiền đáng kể cho phát triển dự án từ nguồn phát hành cổ phiếu mới, ngay cả khi có phát hành thành công đi nữa.
Chính xác hơn, dường như chẳng có “cửa nào” cho tương lai của Novaland. Cùng với các vấn đề hình sự như đã nêu trên, sẽ được mở rộng hơn trong các bài viết tới đây, chúng ta có thể xem rằng Tập đoàn này đã chính thức VỠ NỢ?