Welcome to hoangtungthien.com!

Bạn có thể đánh giá thêm mức độ chính xác của các nhận định nói chung, và về cổ phiếu BĐS, FLC, L14, DIG, CEO nói riêng đầu năm 2022 được đăng trên diễn đàn F247.

nhận định

Vinfast dối trá? Kiểm toán E&Y cần bị xử lý?

21 Th12, 2022 | Nhận định | 0 Lời bình

Nếu xem xét trả lời của Chủ tịch Vinfast trước báo chí trên trang genk, bạn nên rất cảnh giác. Đó là khi được hỏi về các số liệu trong hồ sơ IPO của công ty này tại Mỹ. Trước tiên, bạn sẽ được giới thiệu về những số liệu tài chính cơ bản của Vinfast. Tiếp theo, chúng ta sẽ lập luận có hay không bà Lê Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch Vinfast, đang dối trá? Đồng thời, liệu chúng ta có cần phải yêu cầu xem xét tư cách của Công ty Kiểm toán Earnst & Young Việt Nam?

Số liệu tài chính của Vinfast

Được lấy từ số liệu của Nasdad và trang genk nói trên:

1. Doanh thu: 0,439 tỷ USD;

2. Lợi nhuận: -1,4 tỷ USD, trong đó lỗ do khấu hao 0,69 tỷ USD;

3. Tổng tài sản: 4,4 tỷ USD;

4. Tổng nợ 8,7 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ USD;

5. Vốn của cổ đông: -4,3 tỷ USD;

6. Lỗ luỹ kế 4,7 tỷ USD.

Mối nguy hiểm có thể bạn chưa biết

Chúng ta sẽ xem xét mối nguy hiểm từ mất khả năng thanh toán. Và hiển nhiên, bao gồm khả năng công ty đã lâm vào tình trạng phá sản.

Mất khả năng thanh toán?

Trong các số liệu nêu trên, bạn thấy rằng Vinfast đang ở tình trạng rất nghiêm trọng. Khả năng cao là Vinfast lỗ ngay ở phần biến phí. Lỗ ngay ở phần biến phí nghĩa là doanh thu còn không bù đắp nổi chi phí trực tiếp. Có thể kể đến chi phí trực tiếp như nhân công, phụ tùng, nguyên liệu, nhiên liệu, điện sản xuất, …

Nói cách khác, dường như còn xa Vinfast mới thu hồi được vốn đầu tư dài hạn từ khấu hao. Vậy Vinfast sẽ lấy gì để trả nợ?

Khoản âm vốn 4,3 tỷ USD

Khá dễ dàng để nhận thấy, có lẽ khoản lỗ luỹ kế 4,7 tỷ USD đã “đốt sạch” vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, nó còn tạo thêm khoản vốn âm 4,3 tỷ USD.

Nói cách khác, tài chính của Vinfast có lẽ vô cùng căng thẳng. Căng thẳng đến nỗi công ty đang trong tình trạng phá sản nhiều hơn?

Vinfast có thể đang dối trá gì?

Trở lại bài viết trả lời phỏng vấn của bà Lê Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch Vinfast trên trang genk.

Về khoản lỗ 4,7 tỷ USD

Theo bà Thuỷ, trong khoản lỗ trên, có khoảng 1,87 tỷ là chi phí nghiên cứu, phát triển. Do vậy, cũng theo bà, được khấu hao dần theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Nhưng nó đã được ghi nhận vào lỗ trên hồ sơ IPO theo GAAP (General Accetpted Accounting Principles). Dịch sang tiếng Việt là Các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung tại Mỹ.

Trả lời trên của bà Thuỷ là không đúng. Bởi vì nguyên tắc thận trọng (Principle of Prudence) giống nhau cả theo GAAP và Chuẩn mực 01 – Chuẩn mực chung của Việt Nam. Ngoài ra, nó còn được nhắc đến trong Chuẩn mực số 04 – Tài sản cố định vô hình.

Nguyên tắc thận trọng của Chuẩn mực 01 đòi hỏi “Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập”. Đồng thời, tại Chuẩn mực số 04, một trong các điều kiện ghi nhận TSCĐ vô hình là: “Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do tài sản đó mang lại”. Nhưng với tình hình hoạt động như trên, việc thu được lợi ích kinh tế trong tương lai là không chắc chắn.

Nói cách khác, cần phải ghi nhận 1,87 tỷ USD chi phí đầu tư, phát triển vào lỗ. Điều này chính xác đối với cả GAAP và Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Về khoản nợ 8,8 tỷ USD

Cơ bản, theo bà Thuỷ, một phần đáng kể (trên 2 tỷ USD) phát sinh là do “tái cấu trúc”.

Tuy nhiên, chúng ta nên nghi ngờ. Vì sao vậy? Bởi vì theo thông lệ, không ai “thêm nợ” vào hồ sơ IPO cho xấu đi. Nghĩa là người ta chỉ có xu hướng làm đẹp để hấp dẫn nhà đầu tư, chứ không “bôi xấu”. Đồng thời, với những người có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ đặt vấn đề nghiêm trọng về “tái cấu trúc”. Cụ thể hơn, khả năng là tạo ra các luân chuyển tài chính đáng nghi ngờ là cao hơn.

Cuối cùng, nó có là gì đi nữa thì cũng không thể lập luận như vậy. Bởi vì Vinfast phải trình bày báo cáo theo đúng chuẩn mực. Hay chẳng lẽ với lập luận trên của bà Thuỷ, Vinfast đang không tuân thủ quy định của chuẩn mực?

Cần xử lý Kiểm toán Earst & Young?

Có một hiện tượng “kỳ quặc” của kiểm toán viên mà chúng ta quan sát được. Đó là trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc soát xét của Vingroup. Ít nhất hiện tượng này quan sát được từ năm 2019 đến báo cáo soát xét giữa niên độ năm 2022. Bao gồm cả trên báo cáo riêng và hợp nhất. Nghĩa là nó đã xảy ra ít nhất khoảng 3 năm.

Hiện tượng “kỳ quặc” của kiểm toán viên

Cụ thể về hiện tượng “kỳ quặc” của kiểm toán viên như dưới đây:

– Tất cả các ý kiến kiểm toán đều ở dạng chấp nhận toàn phần; nhưng

– Kiểm toán viên không đánh giá được khoản mục Đầu tư tài chính dài hạn trên Bảng cân đối kế toán.

Khoản mục Đầu tư tài chính dài hạn chắc chắn được xem là trọng yếu. Kết luận này đúng với mọi tiêu chuẩn định lượng về mức trọng yếu. Bởi vì chúng chiếm một tỷ trọng lớn đối với tổng tài sản. Điều này đặc biệt đúng trên báo cáo tài chính riêng. Cụ thể hơn, bạn xem trên báo cáo tài chính riêng giữa niên độ đã soát xét năm 2022. Khoản đầu tư tài chính dài hạn là 94 nghìn tỷ. Nghĩa là nói chiếm tới gần 43% tổng tài sản.

Ngoài ra, chúng còn ảnh hưởng trọng yếu đến dự phòng, chi phí và lợi nhuận. Bởi có thể khoản dự phòng hiện tại chưa xác định được theo giá trị hợp lý. Khi đó, cần xác định và tính lại chi phí dự phòng. Đây là cơ sở để chúng ta khẳng định ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận. Giả sử giá trị hợp lý của khoản Đầu tư tài chính biến động giảm 1%. Điều này có nghĩa nó sẽ ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận là 940 tỷ đồng.

E&Y không xác định được giá trị hợp lý

Bạn thấy khẳng định trên trong tất cả các báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc soát xét. Cụ thể hơn là phần thuyết minh của khoản Đầu tư tài chính dài hạn. Chúng đều được ghi chú rằng:

“Tập đoàn đang trong quá trình xác định giá trị hợp lý của khoản đầu tư này”.

Chúng ta biết rằng tất cả các báo cáo tài chính đã kiểm toán đều được lập bởi kiểm toán viên. Vì vậy, có thể không nghi ngờ rằng, đó cũng chính là ghi chú của kiểm toán viên. Đồng thời, chúng ta cũng biết ghi chú nêu trên của tất cả các báo cáo tối thiểu là từ năm 2019. Nghĩa là cách đây tối thiểu khoảng gần 3 năm. Và 3 năm qua, nó luôn ở tình trạng “đang trong quá trình xác định giá trị hợp lý”.

Cần phải đưa ra loại ý kiến nào?

Trường hợp trên có thể xem kiểm toán viên không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp. Trong khi đó, đây là khoản mục trọng yếu, thậm chí có tính lan toả đến toàn bộ BCTC. Vì vậy, theo quy định của chuẩn mực, kiểm toán viên cần phải lựa chọn một trong hai loại ý kiến sau:

– Thứ nhất, ý kiến kiểm toán ngoại trừ;

– Thứ hai, từ chối đưa ra ý kiến.

Tuy nhiên, như đã đề cập, chúng có thể chứa các sai sót trọng yếu và lan toả đến toàn bộ BCTC. Do vậy, kiểm toán viên cần phải lựa chọn từ chối đưa ra ý kiến. Trong khi tình trạng không xác định được giá trị hợp lý đã diễn ra cách đây tối thiểu 3 năm.

Đề nghị xem xét xử lý E&Y

Với những ghi chú và ý kiến kiểm toán như trên, người ta có quyền đề nghị như vậy. Earnst & Young là một trong bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới. Nhưng người ta không thể không đặt ra câu hỏi:

– Thứ nhất, hãng này đang từ chối trách nhiệm về ý kiến kiểm toán?

– Thứ hai, hãng này vi phạm chuẩn mực về ý kiến kiểm toán viên?

Chúng ta có cơ sở đề đặt nghi vấn như trên. Do vậy, đề nghị xem xét tư cách và xử lý đối với Hãng kiểm toán Earnst & Young. Bởi vì nếu báo cáo không phản ánh trung thực, hợp lý, nó gây nguy hiểm lớn cho nhiều bên liên quan. Những bên liên quan bị đặt vào nguy hiểm có thể là ngân hàng, cổ đông, nhà cung cấp, …

Không chỉ vậy, do Vinfast có quy mô khổng lồ, nên tính nguy hiểm có thể lớn hơn nhiều? Cụ thể hơn, tình trạng của Vinfast sẽ ảnh hưởng mạnh đến cổ phiếu VIC. Và một khi VIC bị ảnh hưởng nặng, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng như thế nào? Bạn có thể suy đoán như đã từng chứng kiến một số sự kiện năm 2022, chẳng hạn FLC? Thậm chí, đây nên xem là “quả bom tấn” còn “khốc liệt” hơn cả FLC nếu rủi ro thực sự xảy ra?

Hơn nữa, không quá khó để nhận thấy Vinfast đang mắc sai lầm chiến lược tại Bắc Carilona?

 

Tác giả, trực tiếp tư vấn: HOÀNG TÙNG THIỆN