Vigroup từng công bố và đã triển khai nhiều dự án đình đám. Trong số này phải kể đến dự án sản xuất ô tô chạy xăng của Vinfast, điện thoại thông minh, niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, và sản xuất vắc xin Covid. Trong bài này, chúng ta sẽ bàn về Vinfast mắc sai lầm chiến lược đối với dự án tại Bắc Carolina.

Thông tin cơ bản về dự án
Những ngày gần đây, Vinfast công bố triển khai một dự án đình đám. Đó là xây dựng nhà máy sản xuất pin và ô tô điện tại Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Dự án này thậm chí còn nhận được dòng twit của Tổng thống Mỹ Joe Biden:
“Hôm nay, Vinfast công bố sẽ xây nhà máy sản xuất xe điện và pin tại North Carolina – nhà máy 4 tỉ USD, tạo ra 7.000 việc làm. Đây là ví dụ mới nhất về chiến lược kinh tế của chúng ta đã phát huy tác dụng.”
Theo Forbes, tổng chi phí đầu tư lên đến 6,5 tỷ USD. Nghĩa là khoảng xấp xỉ 150.000 tỷ đồng VN.
Vinfast và cách tiếp cận của người Nhật
Hãng xe Honda
Vào khoảng năm 1956, Honda đã có vị trí vững mạnh tại thị trường nội địa. Họ bắt đầu nung nấu ý tưởng xây dựng thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Từ lựa chọn tại Đông Nam Á
Sau khi nghiên cứu thị trường Châu Âu, Đông Nam Á và Bắc Mỹ, Kihachiro Kawashima – Giám đốc bán hàng – đưa ra đề xuất: “Tôi tin rằng bắt đầu với thị trường Đông Nam Á sẽ dễ dàng hơn so với thị trường Mỹ”.
Đến lựa chọn thị trường Mỹ
Tuy nhiên, ông Fujisawa – Giám đốc điều hành cao cấp – đã lập luận rằng: “Hãy bắt đầu với thị trường Mỹ. Dù thế nào, Mỹ là thành trì của chủ nghĩa tư bản, và là trung tâm kinh tế của thế giới. Thành công trên thị trường Mỹ cũng có nghĩa là thành công trên thị trường toàn cầu. Mặt khác, nếu một sản phẩm không để lại tiếng vang tại Mỹ, nó sẽ không bao giờ có được vị trí toàn cầu… Đối mặt thử thách trên thị trường Mỹ có thể khó khăn nhất. Nhưng đây là bước tối quan trọng cho mở rộng xuất khẩu sản phẩm của chúng ta.”
Năm 1959, Honda bắt đầu triển khai hoạt động bán hàng trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, phải cần 5 năm, vào năm 1964, Honda mới thực sự gặt hái được thành công (theo Honda). Mặc dù vậy, sau 20 năm (tính từ năm 1959), Honda mới xây dựng được nhà máy đầu tiên tại Marysville, Ohio.
Hãng xe Toyota
Toyota bắt đầu nghiên cứu thị trường Mỹ vào năm 1957. Cũng giống như Honda, họ đã rất vững mạnh trên thị trường Nhật Bản. Vào năm 1958, Toyota bắt đầu triển khai hoạt động bán hàng trên thị trường Mỹ. Nhưng chỉ đến năm 1965, dòng xe Toyota Corona mới được người Mỹ ưa chuộng.
Họ cần khoảng 13 năm sau để liên doanh với Atlas và thành lập nhà máy đầu tiên tại Long Beach.
Vinfast nên thấy gì từ người Nhật?
Đặc điểm nổi bật rất dễ nhận thấy của hai thương hiệu toàn cầu này là:
Thứ nhất, họ đã thành công vang dội về xe hơi trong thị trường nội địa;
Thứ hai, Nhật Bản có thương hiệu mạnh về sản xuất hàng chất lượng cao;
Thứ ba, họ thâm nhập vào thị trường Mỹ qua hoạt động xuất khẩu. Mỗi công ty đều cần từ hơn 10 đến 20 năm sau, kể từ thời điểm thâm nhập, mới thành lập nhà máy đầu tiên tại Mỹ. Đồng thời, việc thành lập nhà máy như vậy chỉ xảy ra khi họ đã tiêu thụ lượng xe lớn và đã chiếm được cảm tình của người dân Mỹ.
Vinfast không có cả ba yếu tố trên. Tuy nhiên, dường như thứ mà họ còn yếu kém hơn nhiều: Đó chính là văn hoá và ý chí Nhật Bản. Nếu đã từng làm việc với người Nhật, bạn sẽ thấy rằng họ làm việc không quản ngày đêm, và không cần bất kỳ ai giám sát.
Chiến lược của Vinfast không có gì mới
Cũng theo Forbes, bà Lê Thị Thanh Thuỷ, CEO toàn cầu của Vinfast, đã phát biểu trong buổi lễ công bố dự án:
“Nhà máy được thành lập tại thị trường sẽ giúp Vinfast chủ động quản lý chuỗi cung ứng, duy trì mức giá ổn định, rút ngắn thời gian cung cấp, làm cho xe điện Vinfast trở nên dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn”.
Ngoài ra, một chiến lược quan trọng khác Vinfast sử dụng để chiến thắng đối thủ là giá cạnh tranh.
Chiến lược trên chính xác là chiến lược thâm nhập thị trường Mỹ của Honda và Toyota. Điểm khác biệt quan trọng nhất là cả hai hãng xe Nhật không xây dựng nhà máy ở thời điểm thâm nhập. Điều này sẽ giúp họ tránh được chi phí cao và áp lực về vốn đầu tư.
Chi phí đầu tư lớn cỡ nào?
Như đã đề cập, tổng chi phí đầu tư lên đến 6,5 tỷ USD, hay khoảng 150.000 tỷ VND. Số tiền này bằng khoảng 35% Tổng tài sản, gấp 3,8 lần “Vốn cổ phần đã phát hành” của Tập đoàn Vingroup. Số liệu Tổng tài sản và Vốn cổ phần đã phát hành được lấy theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, đã kiểm toán của Tập đoàn Vingroup.
Phân tích sâu những điểm yếu quan trọng
Chưa có thương hiệu trên thị trường khó tính
Chắc chắn Vinfast sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ lừng lẫy như Tesla, những “huyền thoại” như Ford, General Motors, BMV, Toyota, Honda, Volkswagen,..
Vinfast có thể đã tạo ra thương hiệu trong nước ở mức độ nhất định. Nhưng việc dừng sản xuất xe chạy xăng dường như báo hiệu sự thất bại trước các đối thủ lớn ngay tại thị trường trong nước. Thất bại này đã được nhiều người cảnh báo từ trước khi dự án được triển khai.
Dự án Vinfast tại Bắc Carolina cũng chứa đựng các rủi ro tương tự. Nhưng dường như rủi ro sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Vì có thể tin rằng thương hiệu Vinfast gần như chưa được ai biết đến trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, như đã phân tích, theo Fujisawa, Giám đốc điều hành cao cấp tại Honda: “Đối mặt thử thách tại thị trường Mỹ có thể khó khăn nhất”.
Câu nói trên có thể hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất, thi trường Mỹ rất khó tính. Thứ hai, họ sẽ phải đối đầu với các thương hiệu lớn.
Vinfast xung đột nặng về chiến lược
Chúng ta biết rằng cả Honda và Toyota đều không thành lập nhà máy ở thời điểm thâm nhập thị trường Mỹ. Điều này chỉ xảy ra khoảng 10 đến 20 năm sau. Nghĩa là khi thương hiệu đã được người Mỹ ưa chuộng.
Cụ thể về xung đột nặng
Trong khi đó, Vinfast lại có sự xung đột nặng về chiến lược. Họ muốn cạnh tranh với “những người khổng lồ” về giá. Nhưng làm thế nào để Vinfast chiến thắng được khi cả chi phí đầu tư và vận hành đều rất đắt đỏ trên thị trường Mỹ?
Những bất lợi thế khác
Ở trên, chúng ta chưa đề cập đến năng lực quản trị, kiểm soát và tiết kiệm chi phí. Và đó cũng là chưa kể đến lợi thế quá lớn về quy mô của “những người khổng lồ”. Nhưng có thể tin rằng Vinfast còn kém xa so với “những ông lớn”.
Ngoài hai điểm yếu “chết người” nói trên, chắc chắn năng lực công nghệ của Vinfast kém xa các đối thủ. Trong khi đó, đây là lĩnh vực công nghệ cao. Những “ông lớn” có thể phát minh để ứng dụng và đăng ký bản quyền cho phát minh. Đây không phải là câu chuyện lạ lẫm với họ. Nhưng Vinfast thì không thể? Điều này càng khiến hai điểm yếu đã đề cập trở nên trầm trọng hơn.
Vinfast chọn thời điểm không thích hợp?
Nền kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid và khủng hoảng năng lượng. Tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc chiến tranh Nga – Ucraina.
Đó là lý do mà hàng loạt hãng xe như Toyota, Mercedes, … tạm thời phải đóng cửa. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, chiến tranh và khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm.
Vinfast và những dự án bị “dừng”
Vinfast là công ty con của Vingroup. Vì vậy, rõ ràng chiến lược cũng như các dự án quan trọng đều bị chi phối bởi công ty mẹ. Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ điểm lại những dự án bị “dừng” của Vingroup. Các dự án này bao gồm sản xuất xe ô tô chạy xăng, sản xuất TV, điện thoại Vinstmart. Chúng có chung hai đặc điểm quan trọng:
Thứ nhất: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao
Thứ hai: Đối thủ cạnh tranh đều là các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Cả hai đặc điểm này khiến Vingroup hoàn toàn thất thế trước những “ông lớn”? Ngoài ra, liệu chúng ta có nên suy đoán rằng Dự án tại Bắc Carolina gần như không thể thành công?
Xe xăng Vinfast là một thất bại điển hình?
Ô tô chạy xăng là chiến lược lâu dài
Không chỉ xem xe xăng là chiến lược ngay giai đoạn đầu, mà cả trong quá trình phát triển thị trường.
Liên tục khẳng định chiến lược
Khi xây dựng nhà máy, sản phẩm chiến lược hay chủ lực của Vinfast bao gồm “ôtô động cơ đốt trong, ôtô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường”.
Cho đến Đại hội cổ đông năm 2020, theo trang báo mạng của VTC, ông Phạm Nhật Vượng vẫn có chiến lược phát triển lâu dài cho dòng xe xăng. Cũng theo bài báo này:
“Ngoài phiên bản sử dụng động cơ điện, mẫu xe cỡ C của VinFast sẽ có thêm phiên bản sử dụng động cơ xăng của BMW. Ngoài ra, hiện VinFast cũng đang phát triển một dòng xe cỡ B với 2 phiên bản xăng và điện”.
Cho đến khi dự án bị dừng
Tuy nhiên, đầu năm 2022, Vinfast tuyên bố ngừng sản xuất xe xăng. Theo đó, ông Hoàng Chí Trung, Tổng Giám đốc VinFast Trading Việt Nam khẳng định rằng “chúng tôi có lộ trình thực hiện rất cụ thể”.
Quyết định dừng sản xuất xe xăng được đưa ra chỉ sau hơn một năm kể từ Đại hội cổ đông năm 2020. Rõ ràng, ở đây tiếp tục có sự xung đột nặng về chiến lược. Trong khi đó, theo bài viết trên VTC nói trên, ông Phạm Nhật Vượng còn khẳng định:
“Dù thị trường giảm, miếng bánh còn rất lớn, mục tiêu của chúng ta không phải lợi nhuận mà là thị phần”.
Đồng thời, bài báo cũng đưa ra nhận định:
“Phân tích chiến lược táo bạo này, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là bước đi hết sức “ngông” nhưng cũng không kém phần khôn ngoan của VinFast, bởi khi đã chiếm được thị phần, chiếm được niềm tin khách hàng rồi thì không cần giành, lợi nhuận sẽ là điều tất yếu”.
Trong khi đó, công suất của Nhà máy Vinfast giai đoạn 1 là 250.000 xe ô tô, giai đoạn 2 là 750.000 xe. Năm 2021, Vinfast mới chỉ bán ra thị trường khoảng 35.000 xe. Số lượng này là quá nhỏ so với công suất tính riêng của Giai đoạn 1.
Vốn của cả tập đoàn Vingroup bị “thổi bay”
Theo Báo cáo tài chính riêng công ty mẹ năm 2021, tổng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Vingroup là khoảng 84.000 tỷ.
Vinfast đang phải bù lỗ 300 triệu đồng/mỗi xe. Nói cách khác, với khoảng 35.000 xe đã tiêu thụ, Vinfast lỗ 10.500 tỷ, chỉ tính riêng năm 2021.
Rõ ràng, dự án xe xăng của Vinfast đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”:
Thứ nhất, nếu tăng giá để giảm lỗ sẽ khó bán vì phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn.
Thứ hai, tiếp tục chịu lỗ như hiện tại để mở rộng thị phần. Khi đó, chỉ cần mỗi năm tiêu thụ số lượng xe bằng 50% công suất của riêng Giai đoạn 1, Vinfast sẽ lỗ khoảng 37.500 tỷ mỗi năm. Nói cách khác, toàn bộ vốn chủ sở hữu của cả tập đoàn Vingroup sẽ bị “thổi bay” trong vòng hơn 2 năm.
Điều đó có nghĩa Vinfast buộc phải dừng sản xuất xe chạy xăng? Nói cách khác, đây là một dự án thất bại?
Vinfast mắc sai lầm chiến lược?
Từ các phân tích trên, chúng ta thấy rằng dự án Bắc Carolina sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều so với các dự án đã bị dừng ở thị trường nội địa. Tìm kiếm vị trí trên thị trường Mỹ, như Giám đốc Honda đã khẳng định, là khó khăn lớn nhất.
Nói cách khác, khả năng cao Vingroup đang mắc sai lầm chiến lược với dự án tại Bắc Carolina. Và một khi dự án thất bại, cả Vinfast và Vingroup sẽ ở tình trạng phá sản?